BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

“Vườn rau sạch cho bé” - mô hình thiết thực hướng về học sinh biên giới​ ​

TTXVN 02/05/2023 08:22 |

“Vườn rau sạch cho bé” - mô hình thiết thực hướng về học sinh biên giới



Lai Châu (TTXVN 2/5)



“Vườn rau sạch cho bé” - một mô hình hay của Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đang được triển khai giúp các em học sinh trên địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ có thêm nguồn rau xanh thường xuyên, giúp cải thiện bữa ăn.



Đồn Biên phòng Huổi Luông vào một buổi sáng trong lành nơi biên giới, tại khu vực tăng gia sản xuất, các em học sinh và bộ đội cùng nhau làm vườn, những bó rau muống đang được hái khi đến vụ thu hoạch. Tay đang thoăn thoát cắt rau, chiến sĩ Lương Văn Chiến vui vẻ cho biết: Vụ này, chúng em thu hoạch rau muống. Toàn bộ số rau được gửi tặng Trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Huổi Luông để các em cải thiện bữa ăn. Số lượng tuy không nhiều nhưng cũng phụ giúp phần nào cho bếp ăn của nhà trường.



Mô hình “Vườn rau sạch cho bé” được thực hiện từ tháng 9/2022 đến nay. Ý tưởng này xuất phát từ nhiều lần trao đổi với giáo viên nhà trường, được biết số lượng học sinh bán trú của trường đông, Đại uý Phan Thành Nam, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Huổi Luông đã xin ký kiến cấp trên và bắt đầu thực hiện. Nói là làm, các chiến sĩ của Đồn bắt tay tìm quỹ đất thích hợp để làm vườn. Vào thời gian cuối tuần, các chiến sĩ cùng nhau cuốc đất, thu gom phân trâu, bò để trồng rau và phân công nhau chăm sóc. Những vườn rau xanh tốt được mọc lên từ đất cằn nhờ đôi bàn tay và tấm lòng của những người lính trẻ nơi biên giới. Các loại rau được trồng như rau cải bắp, rau cải thìa, rau muống… tuỳ theo thời tiết. Thu hoạch vụ nào, các chiến sĩ gửi tặng hết cho nhà trường. Đến nay, 6 vụ thu hoạch đã qua, số rau xanh góp phần hỗ trợ cải thiện bữa ăn cho các em.



Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Huổi Luông có hơn 300 học sinh bán trú. Số lượng học sinh đông, đa phần là con em đồng bào dân tộc, đời sống còn khó khăn. Nhà trường đã tổ chức trồng rau nhưng cũng chỉ được phần nào, còn lại đều phải mua ở chợ. Gần đây, các chú bộ đội cung cấp cho nhà trường nguồn rau sạch, giúp giảm chi phí, cải thiện bữa ăn cho học sinh hàng ngày. Mô hình “Vườn rau sạch cho bé” còn được các trường chọn làm điểm tham quan, giáo dục thực tế cho học sinh.



Tuy mới được triển khai, mô hình “Vườn rau sạch cho bé” đã cho thấy sự đoàn kết gắn bó của quân và dân nơi biên giới. Vào những ngày cuối tuần hay không có tiết học, nhà trường tổ chức cho học sinh vào thăm Đồn Biên phòng, cùng các chú bộ đội tham gia làm vườn, trồng rau, học các kỹ năng sống, giúp các em có tính tự lập, trách nhiệm hơn.



Em Nguyễn Thị Thu Phương, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Huổi Luông cho biết: Chúng cháu rất vui và biết ơn khi được các chú bộ đội tặng rau xanh. Mỗi khi lên thăm đồn, chúng cháu được nghe các chú kể những câu chuyện hay, về những tấm gương học giỏi hay dạy bảo nhiều điều bổ ích... Nơi biên giới có các chú bộ đội bảo vệ Tổ quốc giúp cuộc sống của mọi người được an bình.



Đại úy Phan Thành Nam cho biết thêm, từ hiệu quả thiết thực của mô hình “Vườn rau sạch cho bé”, trong thời gian tới, Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất, trồng nhiều loại rau hơn nữa để đáp ứng thêm nhu cầu rau xanh cho các em học sinh. Bên cạnh đó, Đồn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên xã Huổi Luông nhân rộng mô hình để có thêm nguồn rau xanh tặng cho các lớp học tại các điểm bản.



Đồn Biên phòng Huổi Luông được giao quản lý đoạn biên giới dài hơn 13km và phụ trách địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Địa bàn xã biên giới có khoảng 7 nghìn nhân khẩu, gồm 4 dân tộc là Mông, Dao, Hà Nhì và Kinh định cư rải rác trên các bản làng xa xôi.



Xây dựng thế trận vững chắc nơi biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông luôn sâu sát cơ sở, ngày đêm bám địa bàn, cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; thực hiện “ba bám, bốn cùng”, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Từ đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, được nhân dân và chính quyền địa phương tin yêu, tình quân dân ngày càng khăng khít, xứng đáng với tên gọi Bộ đội Cụ Hồ./.



Nguyễn Oanh