BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Tăng cường kiểm soát tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới

TTXVN 16/08/2018 15:56 |


Tăng cường kiểm soát tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới

Hà Nội (TTXVN 16/8)

Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nguy cơ chịu tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới từ phía Bắc đã và đang hiện hữu. Vì vậy, hàng năm Trạm quan trắc mưa axit miền Bắc thuộc Trung tâm kỹ thuật Đo lường Chất lượng 1 đều thực hiện quan trắc mưa axit và nước mặt, trầm tích đầu nguồn sông Hồng, sông Lô. Các địa phương thuộc lưu vực sông biên giới cũng đã triển khai một số hoạt động như xây dựng chương trình quan trắc để theo dõi diễn biến, đánh giá chất lượng nước sông, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Riêng tỉnh Lào Cai đã trao đổi, thỏa thuận trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để hai bên cùng tăng cường kiểm soát các nguồn thải.

Hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước xuất phát từ Trung Quốc. Hệ thống sông Mã, sông Cả đều có 40% lưu vực phía thượng nguồn nằm trên lãnh thổ Lào. Do đặc điểm khí tượng, đặc biệt vào mùa Đông ở miền Bắc nước ta, khi gió mùa Đông Bắc tràn xuống có nguy cơ cao chịu tác động ô nhiễm môi trường không khí từ các nguồn thải phát sinh từ các tỉnh lận cận thuộc Trung Quốc. Trong đó có nguồn ô nhiễm phóng xạ từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam Trung Quốc vừa chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam, trong đó nhà máy điện hạt nhân gần nhất chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 50km. Mặt khác, Việt Nam còn nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa, với vị trí địa lý và điều kiện khí tượng, thủy văn, khu vực phía Bắc còn phải đối mặt với vấn đề phát tán phóng xạ và lan truyền tầm xa.

Trong năm 2017, kết quả quan trắc tại biên giới phía Bắc cho thấy tần suất ô nhiễm mưa axit cao hơn những năm trước, do đó các địa phương tại khu vực này cần tăng cường những biện pháp phòng ngừa các hiện tượng ô nhiễm xuyên biên giới từ phía Bắc.

Bên cạnh đó khu vực Trung du, miền núi phía Bắc còn là nơi tập trung khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện than…với mật độ lớn, tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc khai thác mỏ, đặc biệt là các hoạt động khai thác lộ thiên đã làm tăng các khối lượng chất thải rắn dạng đất đá thải, khối lượng gấp vài lần lượng quặng khai thác được. Còn các nhà máy nhiệt điện hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu đã và đang gây áp lực không nhỏ lên môi trường không khí của các khu vực này. Phần lớn các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây sạt lở, ô nhiễm không khí. Thời gian qua đã xảy ra một số sự cố do hoạt động công nghiệp tại khu vực phía Bắc, chẳng hạn như năm 2016 đã xảy ra sự cố vỡ bể chứa chất thải nhà máy chì, kẽm của Công ty TNHH CKC tại thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nơi đây.

Tổng cục Môi trường cho rằng, để kiểm soát chặt chẽ tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, UBND các tỉnh khu vực phía Bắc cần tăng cường phối hợp, hợp tác để giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, xuyên biên giới, xây dựng cơ chế đối thoại giữa Trung ương với địa phương, người dân và doanh nghiệp, nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề về môi trường không để phát sinh thành điểm “nóng”, cũng như ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường./.

Văn Hào