
TTXVN 30/12/2017 13:57 |
Hà Nội (TTXVN 30/12)--
Theo trang mạng atimes.com, sau nhiều tháng nắm giữ vị trí lãnh đạo Philippines, Tổng thống Rogdirgo Duterte đã tạo dựng và phát triển “tuần trăng mặt chiến lược” của ông với Trung Quốc trở thành một mối quan hệ vững chãi. Tuy nhiên, dù hai bên có thể sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại và đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông và củng cố vững chắc mối quan hệ kinh tế song phương thì lập trường của cả hai trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chắc chắn sẽ cứng rắn hơn.
Điều này được thể hiện rõ trong một tranh cãi ngoại giao khi Manila quyết định điều các quan chức quốc phòng hàng đầu đến một thực thể đảo tranh chấp ở quần đảo Trường sa. Trong khi Trung Quốc chỉ trích quyết định này là một động thái khiêu khích thì phía Philippines chỉ gọi đó là một chuyến đi thông thường.
Giới chức Philippines cho biết họ đang áp dụng một chiến lược "nước đôi", theo đó cố gắng sắp xếp mối quan hệ với Trung Quốc thông qua sự kết hợp linh hoạt giữa kiềm chế và ràng buộc.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Duterte đã bày tỏ một sự quan tâm mạnh mẽ tới việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết và hợp tác hơn với Bắc Kinh, một đối tác mà ông cho là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong xu thế này, chỉ ít lâu sau khi thắng cử, ông Duterte đã cam kết áp dụng một chính sách ngoại giao “độc lập” hơn mà theo đó, Philippines sẽ bớt phụ thuộc vào Mỹ.
Vị lãnh đạo có lối nói cứng rắn đã dành ưu tiên cho việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, một chính quyền đã hoan nghênh sự ra đi của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, người đã củng cố các mối quan hệ chiến lược với Mỹ và theo đuổi những gì được cho là một chiến lược đối đầu với Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông. Sự thay đổi của ông Duterte kéo theo một số nhượng bộ trước Trung Quốc, vốn bị giới chỉ trích cho rằng sẽ làm suy yếu an ninh và chủ quyền quốc gia để theo đuổi các mục tiêu kinh tế. Các nhượng bộ này gồm có một quyết định không chú trọng đến chiến thắng nổi bật của Philippines tại một tòa trọng tài quốc tế, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc tại biển Đông là vô căn cứ; sự hủy bỏ một số cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ; ngăn cấm Mỹ sử dụng các cảng biển của Philippines để phục vụ các hoạt động tự do hàng hải; không chấp nhận để Mỹ phát triển căn cứ không quân Bautista tại tỉnh đảo Palawan.
Trong nỗ lực nhằm củng cố sự hòa giải miễn cưỡng này, ông Duterte chắc chắc tiếp tục tán dương Trung Quốc để phục vụ việc theo đuổi các mối quan hệ kinh tế có lợi. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới căn cứ không quân và cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc tại các thực thể trên vùng Biển Đông tranh chấp mà không có sự đồng thuận chung để tránh các xung đột trên biển đã buộc Chính phủ và các tướng lĩnh cấp cao của ông Duterte phải vạch ra một đường lối cứng rắn hơn.
Phản ứng trước việc các quan chức Philippines tới các thực thể đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa hồi tháng 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi hy vọng rằng phía Philippines có thể coi trọng sức mạnh của sự phát triển mối quan hệ song phương mà khó khăn lắm chúng ta mới có thể có được. Trung Quốc rất quan ngại và không hài lòng với động thái này của Philippines…”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cánh báo Manila cần phải “theo đuổi một cách chân thành” sự đồng thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được trong cuộc gặp hồi tháng 10 năm ngoái.
Ernesto Abella, người phát ngôn của ông Duterte, đã đáp lại rằng chuyến đi vừa qua của các quan chức Philippines “là một phần trong nỗ lực cải thiện an ninh, thịnh vượng, và sự mưu sinh của những người dân Philippines đang sinh sống tại quần đảo Trường Sa".
Không giống như người tiền nhiệm Aquino chủ trương ưu tiên các chiến lược pháp lý để chống lại Trung Quốc, ông Duterte lại gây chú ý khi chi 1,6 tỷ peso (tương đương 35 triệu USD) để khôi phục và nâng cấp các cơ sở hạ tầng của Philippines tại Trường Sa. Một Duterte được cho là thân thiện với Trung Quốc thực ra lại đang áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn trên thực địa khi đầu tư nguồn lực và triển khai các quan chức quốc phòng nhằm củng cố lập trường của Philippines. Những nỗ lực này đã được củng cố bởi ông Lorenzana, một vị tướng có danh tiếng và từng là tùy viên tại Washington, khi ông là một trong số những người công khai lên tiếng ủng hộ một sự phản kháng mạnh mẽ trước các tham vọng trên biển của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự hợp tác an ninh mạnh mẽ với Mỹ.
Trung Quốc chắc chắn sẽ phải nhận ra rằng Chính quyền Duterte, vốn đang áp dụng một lập trường thực dụng đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, sẽ không phải là một con rối dễ bị lợi dụng, kể cả trước những hỗ trợ phóng khoáng về kinh tế từ Bắc Kinh. Manila đang thực hiện chiến lược “kẻ đấm người xoa”, trong đó Bộ Quốc phòng thì thể hiện lập trường cứng rắn chống các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, còn Tổng thống Duterte thì vẫn duy trì đường lối ngoại giao mềm mỏng, thân thiện với Bắc Kinh.