BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Những quan tâm hàng đầu của Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

TTXVN 29/12/2017 16:05 |

Hà Nội (TTXVN 29/12)--

Theo trang mạng brookings.edu, tình hình Biển Hoa Đông gần đây yên ắng vì tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại vùng biển này có phần lắng dịu. Không giống như tình hình Biển Đông, ở Biển Hoa Đông không có hoạt động cải tạo đảo đá, không có phán quyết nào của tòa án, nhưng tranh chấp ở vùng biển này có nguy cơ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột với Bắc Kinh hơn là những tranh chấp ở Biển Đông.

Theo phân tích, Mỹ có 3 mối quan tâm hàng đầu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông mà Washington cần bảo vệ: (1) duy trì uy tín toàn cầu của các cam kết của Mỹ đối với đồng minh; (2) duy trì hoạt động tự do hàng hải và hàng không; (3) dy trì sự ổn định đáng kể để tạo ra mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.  Dựa trên ba lợi ích hẹp này, hai kịch bản xung đột Mỹ  -Trung có thể xảy ra nhất ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là một vụ đụng độ giữa Bắc Kinh và một đồng minh của Mỹ vốn tác động cam kết của Mỹ với đồng minh, hoặc nỗ lực của Trung Quốc nhằm bác bỏ quyền tiếp cận đối với các tàu thuyền và máy bay hoạt động ở những khu vực theo quy định của luật pháp quốc tế. Với kịch bản thứ hai, bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm chặn đứng các tuyến hàng hải và hàng không sẽ có nguy cơ vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế, và có khả năng gây ra một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện nay, Bắc Kinh sẽ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro này. Kịch bản thứ nhất và cũng là mối rủi ro gần kề nhất, có thể sẽ liên quan các cam kết của Mỹ với các đồng minh khu vực, trong đó có Philiippines và Nhật Bản - hai nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

 Manila và Bắc Kinh đang có mối quan hệ nồng ấm, vốn giúp giải thiểu rủi ro xảy ra xung đột. Và Washington đã ra tín hiệu rõ ràng với Bắc Kinh rằng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm chiếm giữ các thực thể mà Manila tuyên bố chủ quyền có thể đe dọa các cam kết đồng minh của Mỹ với Philippines. Mặc dù điều này không ngăn chặn khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để thâu tóm các thực thể mà Manila tuyên bố chủ quyền, song có tác dụng giảm thiểu khả năng xảy ra kịch bản này. Tuy nhiên, giữa Bắc Kinh và Tokyo lại có nguy cơ xảy ra một vụ đụng độ không dự tính trước giữa các lực lượng của hai bên ở Biển Hoa Đông. Điều này là do tần suất xảy ra các hoạt động đối đầu ở cự ly gần giữa các lực lượng Nhật Bản và Trung Quốc, không có các cơ chế giảm thiểu rủi ro hiệu quả và không có cơ chế đồng thuận giữa Bắc Kinh và Tokyo về ranh giới phân chia lãnh hải và những hành xử có thể chấp nhận được ở các khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Những phân tích về các yếu tố trên cho thấy tồn tại nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ không lường trước trên biển và trên không vốn có thể dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng nhanh chóng và kéo theo các cam kết của Mỹ với đồng minh khu vực.

Rõ ràng, xung đột khó có khả năng xảy ra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, khi đánh giá rủi ro hàng hải ở Đông Á, Mỹ cần thận trọng đặt mối quan tâm vào cả vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông và cần xác định rõ ràng những lợi ích quốc gia nào mà Washington cần bảo vệ. Bên cạnh đó, Washington cũng  cần khéo léo khuyến khích Bắc Kinh và Tokyo tăng cường nỗ lực để thiết lập các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra các vụ đụng độ không lường trước đồng thới thiết lập các kênh quản lý sự cố này sinh.