TTXVN 28/09/2020 19:56 |
Nâng cao vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quan hệ đối ngoại ở khu vực biên giới
Tây Ninh (TTXVN 28/9)
Chiều 28/9, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Đây là dự án Luật dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội (khóa XIV) xem xét tại Kỳ họp thứ 10.
Góp ý vào dự án Luật, Đại tá Nguyễn Văn Tâm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh cho rằng, tại điều 21, quy định về thẩm quyền được ký kết thỏa thuận quốc tế còn chưa rõ, cần phân tách vai trò, trách nhiệm của từng cấp trong vấn đề ký kết thỏa thuận quốc tế.
Theo đó, nên phân định rõ vai trò từ cấp Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới về quyền hạn, trách nhiệm quản lý trong việc ký kết thoả thuận quốc tế theo thẩm quyền được giao.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cho rằng, đối với chủ thể là UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới trong dự án đã bổ sung giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể, mà chủ thể này được ký kết là hợp lý.
Cụ thể, tại khoản 6, Điều 3 dự án Luật quy định UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa giữa chính quyền địa phương ở cấp xã. Việc ký kết của chủ thể này góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới.
Về ngôn ngữ thỏa thuận quốc tế, đại diện Sở tư pháp tỉnh Tây Ninh cho rằng, tại Điều 7 dự án Luật quy định “Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết là Việt Nam và bên ký kết nước ngoài”. Theo quy định trên, các thỏa thuận quốc tế không bắt buộc phải ký bằng song ngữ và cũng không bắt buộc phải có văn bản bằng tiếng Việt, nếu như các bên có thỏa thuận khác về việc này. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 quy định ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam là tiếng Việt. Cụ thể, trong quan hệ ngoại giao với các đối tác nước ngoài cần phải thể hiện lòng tự hào dân tộc trong việc sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình.
Kết luận hội nghị, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới./.
Phạm Thanh Tân