Khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô
Quảng Ninh (TTXVN 26/4)
Tối 26/4, Lễ khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô năm 2025 chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời” đã diễn ra tại Quảng trường Khu Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ
Chí Minh trên đảo Cô Tô, huyện Cô Tô (Quảng Ninh).
Sự kiện thu hút
đông đảo người dân và du khách tham gia. Đây cũng là điểm nhấn mở đầu chuỗi hoạt
động kích cầu du lịch của huyện Cô Tô trong năm 2025, đồng thời là hoạt động
thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -
30/4/2025) và Năm Du lịch quốc gia 2025.
Chương trình gồm nhiều
chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Đại cảnh nghệ thuật “Cô Tô - Nơi
sóng gọi mặt trời” kết hợp trình diễn trống nước, ánh sáng hiện đại và trình diễn
áo dài biển; trình chiếu clip quảng bá du lịch, công bố các tuyến điểm và sản
phẩm du lịch mới năm 2025; các tiết mục biểu diễn đặc sắc, ca ngợi vẻ đẹp thiên
nhiên, con người và tiềm năng phát triển du lịch - kinh tế - văn hóa - xã hội của
huyện đảo; màn đồng diễn dân vũ sôi động với sự tham gia của các Câu lạc bộ dân
vũ trên địa bàn, lan tỏa thông điệp: “Mỗi người dân Cô Tô là một đại sứ du lịch”… Ngoài
ra, du khách và người dân sẽ được chiêm ngưỡng Triển lãm ảnh đẹp về Cô Tô, cùng
Trưng bày mô hình tàu cao tốc hiện đại bậc nhất.
Huyện Cô Tô cũng thí điểm khu vực vui chơi giải trí dưới nước tại các bãi biển nổi tiếng như Vàn Chảy, Hồng Vàn, Vụng Tròn, Ba Châu, Cô Tô Con… với nhiều loại hình hấp dẫn như chèo kayak, mô tô nước, dù bay, lặn ngắm san hô...; đồng thời tổ chức 8 tuyến tham quan đảo, kết nối các điểm đến có điều kiện tự nhiên thuận lợi như đảo Cô Tô Con, Hòn Cá Chép, Hòn Sư Tử, Hòn Bảy Sao, Hòn Đông Nam, đảo Thanh Lân và đảo Trần.
Bà Lê Ngọc Hân, Bí
thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, nét mới của du lịch Cô Tô năm 2025 đó là “Du lịch xanh - trải nghiệm sạch - điểm đến văn minh”. Theo đó, du lịch Cô Tô tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ với nhiều sản phẩm và
dịch vụ mới hướng tới xu thế du lịch xanh, thân thiện với môi trường và bền vững.
Huyện Cô Tô đã và đang đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian trải nghiệm
với các tuyến du lịch tham quan đưa du khách đến những
hòn đảo tuyệt đẹp còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ được thiên nhiên ban tặng, các sản phẩm
“du lịch bản địa” gắn với văn hóa ngư dân, cùng chuỗi dịch vụ chất lượng cao
trên nền tảng số hóa.
Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết thêm, một trong những điểm nhấn đáng chú ý
của mùa du lịch năm nay là việc đưa vào hoạt động các tuyến tham quan bằng xe
điện, tour đạp xe ven biển, và không gian “check in không rác thải nhựa... Các
cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch đều được khuyến khích và cam kết tham
gia chương trình “Du lịch không nhựa dùng một lần”, góp phần xây dựng hình ảnh
một Cô Tô sạch - đẹp - văn minh trong mắt du khách.
Tại chương trình, UBND
huyện Cô Tô cũng phát động “Chiến dịch Cô Tô sạch - Mùa hè xanh” đến toàn thể
cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và du khách. Qua đó, cải thiện môi trường du lịch,
nâng cao chất lượng, dịch vụ hướng tới phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng
bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Cô Tô là huyện đảo
tiền tiêu của tỉnh Quảng Ninh, nằm cách đất liền khoảng 80km với nhiều hòn đảo
lớn nhỏ mang vẻ đẹp hoang sơ và nhiều điểm du lịch, bãi biển đẹp. Năm 2025, Cô
Tô đặt mục tiêu đón trên 300 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng.
HĐND huyện Cô Tô
cũng đã thông qua chủ trương thành lập Đặc khu Cô Tô, theo đó, huyện đảo Cô Tô
sẽ được sáp nhập toàn bộ 2 xã và 1 thị trấn hiện có để hình thành một đặc khu
hành chính mới có tên gọi là Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng
huyện Cô Tô thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã
(thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Đặc khu Cô Tô sau khi được thành
lập có diện tích 5.368 ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa
giới hành chính hiện tại của huyện. Việc thành lập Đặc khu Cô Tô sẽ mở ra cơ
hội phát triển mới cho vùng đảo này./.
Đức Hiếu