BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Văn hóa - Xã hội

Cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân đi lao động qua biên giới

TTXVN 07/08/2018 09:00 |


Cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân đi lao động qua biên giới

Lạng Sơn (TTXVN 7/8)

  Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn, kết quả hợp tác lao động giữa tỉnh Lạng Sơn và các địa phương của Trung Quốc trong thời gian qua là rất tích cực, song vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai bên.

Những năm gần đây, tình trạng lao động ở Lạng Sơn vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc có những diễn biến phức tạp. Hầu hết cư dân biên giới từ tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc làm thuê đi theo đường mòn, lối tắt biên giới, không đăng ký xuất nhập cảnh theo quy định. Do không có giấy tờ hợp pháp, nhiều lao động bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền và trục xuất.

Trước thực tế đó, tỉnh Lạng Sơn và các địa phương của Trung Quốc đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội đàm để đưa ra các giải pháp quản lý lao động. Căn cứ biên bản ký kết về cơ chế hợp tác lao động qua biên giới được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) ký cuối tháng 5/2017, từ tháng 8/2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các phiên giao dịch việc làm, lồng ghép triển khai nội dung hợp tác lao động qua biên giới; đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động, khuyến khích doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối đưa lao động đi làm việc theo thỏa thuận.

Sau hơn 1 năm ký kết thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới, Trung tâm đã đưa được 614 người lao động Lạng Sơn sang Trung Quốc làm việc, chủ yếu trong các xưởng chế biến gỗ và sản xuất rượu, giày dép... Mặc dù đây là tín hiệu tích cực cho công tác xuất khẩu lao động tại địa phương, song số lượng lao động được xuất cảnh làm việc hợp pháp vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với hàng nghìn lao động Lạng Sơn sang biên giới làm việc trái phép mỗi năm.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thị Hải cho biết: Trong quá trình hợp tác quản lý lao động qua biên giới, một số vấn đề đã phát sinh do phía Trung Quốc quy định lao động Lạng Sơn có giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới phải đi qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), thay vì qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), gây khó khăn cho người lao động ở các huyện xa cửa khẩu. Ngoài ra, việc Công an Sùng Tả chỉ cấp giấy phép tạm trú có thời hạn một tháng cho lao động Việt Nam cũng gây tốn kém vì phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục nhập cảnh, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động có mong muốn làm việc ổn định, lâu dài.

Ngoài những lý do khách quan kể trên, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người lao động không thiết tha đi làm việc qua biên giới theo kênh hợp pháp là do vấn đề nhận thức về pháp luật. Phần lớn người dân có thói quen đi lao động qua biên giới theo đường mòn, lối tắt do có tâm lý muốn làm việc và đi về trong ngày. Ngoài ra, người lao động e ngại việc mất thời gian làm thủ tục hồ sơ, mất chi phí làm giấy thông hành và các chi phí thủ tục như bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe, đăng ký tạm trú.

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tích cực triển khai các phiên giao dịch việc làm và tham mưu cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, thông tin thị trường lao động tại các huyện, xã, thôn, xóm... nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức trong vấn đề đi lao động qua biên giới, cũng như có nhiều cơ hội tìm được việc làm tại Trung Quốc với thu nhập ổn định, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp đưa lao động Lạng Sơn đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng là phương án cần thực hiện, nhằm hạn chế tối đa lao động tự do vượt biên trái phép sang Trung Quốc./.


Ngọc Tùng