BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang vẫn phức tạp

TTXVN 23/03/2023 08:16 |


Buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang vẫn phức tạp

An Giang (TTXVN 23/3)

Với đường biên giới dài gần 100 km tiếp giáp với 2 tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia, thời gian qua tội phạm buôn lậu thường lợi dụng địa hình có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới An Giang, các đối tượng buôn lậu ngày đêm tìm cách đưa hàng qua biên giới, vào sâu nội địa để tiêu thụ, khiến tình hình buôn lậu vùng biên giới An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, biên giới An Giang có đoạn người dân sống gần sát đường biên, nên việc qua lại rất khó kiểm soát; phía ngoại biên (đối diện) lại có nhiều kho chứa hàng hóa. Trong nước giá các mặt hàng thuốc lá, đường cát, bia, rượu, nước giải khát chênh lệch cao sao với nước ngoài. Do đó, lợi nhuận các mặt hàng lậu lớn nên các đối tượng lợi dụng đêm khuya, đường mòn, đường tắt để vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới tiêu thụ.

Theo Cục Hải quan tỉnh An Giang, phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật của người dân tại các khu vực biên giới vẫn chưa được cao, dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn hàng lậu, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ khi bị phát hiện.

Ông Đào Thịnh Vinh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, hoạt động của các đường dây buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…. Từ đó tạo thành đường dây vận chuyển hàng lậu xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.

“Những điểm tập kết hàng cấm, hàng lâu thường gần nhà dân hoặc những nơi vắng vẻ. Khi kiểm tra bắt giữ, xử lý chủ yếu là vắng chủ nên chưa mang tính răn đe cao, hoặc khi trực tiếp phát hiện hành vi vận chuyển hàng lâu thì các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy thoát thân để lại hàng hóa, phương tiện vì sợ bị xử lý”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết thêm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang, hiện các lực lượng chức năng An Giang chốt chặn dọc tuyến biên giới An Giang, các đối tượng buôn lậu cũng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn để buôn lậu hàng qua biên giới. Từ đó, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát tình trạng buôn lâu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua các lực lượng chức năng An Giang như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường An Giang đã phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống buôn lậu; tăng cường vận động quần chúng nhân dân không bao che, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu; tích cực ủng hộ, phối hợp với lực lượng chức năng triệt xóa các tụ điểm tập kết, trung chuyển, chứa chấp hàng lậu.

Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, đấu tranh chống buôn lậu tại An Giang đã đạt hiệu quả cao, đánh trúng các đường dây buôn lậu lớn, khởi tố, điều tra làm rõ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo tác dụng răn đe đối với số đối tượng khác và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, góp phần tạo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, hiện An Giang cũng duy trì tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới và nội địa; tập trung đấu tranh mạnh các đường dây, băng, ổ nhóm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hoạt động chuyên nghiệp đối với một số mặt hàng như thuốc lá điếu, đường cát, vàng, ngoại tệ, pháo nổ, lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, năm 2022, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 2.027 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, liên quan 1.714 đối tượng; so với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 1,6 %. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 181,5 tỷ đồng, tăng hơn 104 tỷ đồng so với năm 2022.

Năm 2022, lực lượng công an, biên phòng, hải quan đã xử lý hình sự 41 vụ với 53 bị can, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 32,2 tỷ đồng. Đồng thời các lực lượng cũng tiến hành xử lý hành chính 1.325 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu 22,4 tỷ đồng….

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc phòng, chống buôn lậu; các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường An Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời cần xây dựng một hệ thống phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả, chuyên nghiệp và bền vững.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh tiếp tục xây dựng “lực lượng tay, mắt” trong nhân dân, vận động tố giác buôn lậu, đồng thời tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức, không tham gia buôn lậu; tiến hành lắp đặt camera để theo dõi những người thường xuyên qua lại biên giới. Tỉnh giao các lực lượng chức năng tự tổ chức, xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, không để phát sinh điểm nóng, kho, bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... trên địa bàn quản lý./.

Thanh Sang