BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Bình Phước: Xã biên giới Lộc Phú vượt khó về đích nông thôn mới

TTXVN 12/03/2023 09:02 |


Bình Phước: Xã biên giới Lộc Phú vượt khó về đích nông thôn mới

Bình Phước (TTXVN 12/3)

Với mục tiêu về đích nông thôn mới cuối năm 2023, xã Lộc Phú của huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn.

Hiện nay, xã Lộc Phú vẫn còn tiêu chí môi trường, giao thông, trường học chưa đạt, tuy nhiên với khối lượng công trình thực hiện đã thực hiện khoảng 80% sẽ giúp xã về đích đúng hẹn. Xã Lộc Phú được thành lập chia tách từ xã Lộc Quang năm 2008 nên xuất phát điểm thấp, cơ sở hạng tầng kém, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp xã Lộc Phú từng bước nâng cao đời sống kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn rõ rệt. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Phú Lê Văn Sâm, do xã xuất phát điểm thấp nên trong các tiêu chí đã và đang khó thực hiện, có tiêu chí thu nhập và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng, triển khai những giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí, nên đã từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Phú Lê Văn Sâm cho biết: Do địa phương có thế mạnh là nông nghiệp nên đã đẩy mạnh nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi, tích cực vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, xã khuyến khích phát triển sản phẩm nông sản sạch gắn với OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), duy trì nâng cao hoạt động hợp tác xã trồng lúa nước, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, câu lạc bộ tiêu sạch.

Trên địa bàn xã Lộc Phú hiện có 3 hợp tác xã, 817 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 34.000 con, 3 trang trại gà… sản xuất theo hướng hiện đại, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Điển hình nhất tại ấp Bù Nồm, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53% dân số, đời sống thu nhập ở mức thấp nhất tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, ấp Bù Nồm đã “thay da đổi thịt” bằng nhiều con đường bê tông phẳng lì, căn nhà xây kiên cố khang trang. Đặc biệt, những cánh đồng mẫu lớn luôn được cung cấp nước từ các hệ thống kênh mương thủy lợi giúp bà con trồng lúa từ 1 vụ đến 3 vụ.

Trước sự đổi thay của ấp trong thời gian qua, ông Lâm Xông phấn khởi cho biết, những năm vừa qua, Nhà nước quan tâm đầu tư các con đường giao thông nông thôn, giúp việc vận chuyển vật tư, nông sản dễ dàng. Nhà nước thường xuyên tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước cho diện tích đất sản xuất, nên năng suất, sản lượng lúa, thu nhập đều tăng lên. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo trên địa bàn nên người dân rất phấn khởi.

Trưởng ấp Bù Nồm Đặng Đức Hải cho biết: Nhờ có hệ thống công trình thủy lợi về tận cánh đồng, giúp người dân nơi đây không lo nước tưới tiêu vào mùa khô, nâng cao năng suất cây trồng. Nguồn nước ổn định, giúp việc canh tác của nông dân thuận lợi, năng suất lúa đạt từ 47 – 50 tạ/ha. Đời sống của bà con ngày càng được ổn định, số hộ nghèo giảm dần.

Năm 2022, xã Lộc Phú tiến hành xây dựng công trình kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất lúa nước từ nguồn vốn phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với tổng kinh phí 990 triệu đồng; xây dựng 13 tuyến đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 6km, nâng tuyến đường cứng hóa toàn xã lên 19km.

Ngoài ra, tiêu chí thu nhập được nâng lên còn thể hiện ở việc phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả kinh tế cao, từng bước đổi thay phương thức, tập quán canh tác.

Trong đó, chuỗi liên kết sản phẩm trà thảo dược 7 trong 1 của ông Hoàng Mạnh Hùng vừa được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này đã tập hợp 10 hộ dân trong vùng để thành lập hợp tác xã, giúp nhiều hộ dân thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập so với cách làm trước kia.

Ông Hoàng Mạnh Hùng cho biết: Việc được công nhận OCOP 4 sao đánh dấu bước chuyển sâu sắc trong nhận thức của người làm nông nghiệp, hướng đến chế biến sâu, chế biến sạch, xây dựng thương hiệu bền vững. Hy vọng sau thành công từ trà thảo dược thiên nhiên, địa phương sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, hình thành chuỗi khép kín từ khâu giám sát, quản lý chất lượng, thương hiệu sản phẩm, cách thức quảng bá, tiếp cận khách hàng… để nâng tầm các sản phẩm, thương hiệu Lộc Ninh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Từ nỗ lực vượt khó trong những năm qua, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Lộc Phú đã tăng lên trên 40 triệu đồng/người/năm so với 15 triệu đồng/người/năm khi chưa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, số hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 68 hộ, giảm 57 hộ năm 2022.

Những kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân xã Lộc Phú để về đích nông thôn mới theo lộ trình đề ra. Đến nay, xã Lộc Phú đã và đang tạo nên diện mạo nông thôn mới, đổi thay từng ngày./.

K GỬIH