BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Biển đảo Việt Nam: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ

TTXVN 03/07/2020 12:54 |


Biển đảo Việt Nam: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ

Khánh Hòa (TTXVN 3/7)

Sáng 3/7, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chuyên đề “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ”.

Diễn đàn có sự tham gia đông đảo của đại biểu là nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông, ngư dân thuộc các tỉnh:  Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Với chủ đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ, các chuyên gia đã giới thiệu và phân tích hiệu quả của những giải pháp khoa học, thiết bị kỹ thuật mới được ứng dụng trong nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Điển hình như hiệu quả của ứng dụng đèn LED trên tàu đánh bắt hải sản; ứng dụng máy dò ngang đa chùm bằng công nghệ SONAR; ứng dụng thiết bị thông tin liên lạc hàng hải phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nguyễn Phi Uy Vũ, Bùi Đức Lỉnh (Viện Hải dương học – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), thực tế cho thấy, sử dụng đèn LED trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng giúp giảm chi phí chuyến đi biển trung bình 21,8%, tăng doanh thu lên 21,7% và mang lợi nhuận trung bình lên hơn 50% cho ngư dân. Giải pháp này còn an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn so với các loại đèn truyền thống như huỳnh quang, cao áp thủy ngân, đèn Metal Halide.

Tại diễn đàn, theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại vào đánh bắt của các tàu còn hạn chế do chi phí đầu tư cao. Cụ thể với mô hình ứng dụng máy dò ngang được thử nghiệm tại Khánh Hòa đã giúp tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân nhưng để khai thác ở vùng biển khơi, các tàu phải trang bị máy dò ngang có tầm dò xa và góc quét lớn (góc quét 45 độ) trong khi giá máy này hiện đang khá cao. Do đó đơn vị này đề xuất Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có giải pháp tăng cường kinh phí, hỗ trợ cho ngư dân đầu tư thiết bị này để người dân mạnh dạn vươn khơi tìm ngư trường mới.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết năm 2019, cả nước có trên 96.500 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên có giấy phép khai thác hải sản. Trong đó có hơn 37.800 tàu chiều dài từ 6m đến dưới 12m, 18.900 tàu chiều dài từ 12m đến dưới 15m và 30.560 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. So với các nước trong khu vực, hoạt động khai thác hải sản trong nước chỉ mới cơ gới hóa được một số ít khâu sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm kém nên khó khăn trong việc cạnh tranh về giá, thị trường tiêu thụ./.

Nguyễn Dũng