BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Bàn giải pháp xúc tiến thúc đẩy thương mại biên giới

TTXVN 12/04/2024 17:02 |

Bàn giải pháp xúc tiến thúc đẩy thương mại biên giới

Lào Cai (TTXVN 12/4)

Chiều 12/4, tại thành phố Lào Cai, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề "Xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới". Hội nghị nhằm trao đổi sâu về thương mại biên giới, cơ hội và giải pháp dưới phương diện xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất, nhập khẩu hiệu quả giữa Việt Nam và thị trường các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ Công Thương, lợi thế thương mại biên giới của Việt Nam không chỉ ở vị trí địa lý chiến lược mà còn là kết quả của sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm cảng biển, đường sắt và đường bộ. Cùng đó, các chính sách thương mại mở cửa, quy trình thủ tục, sức hấp dẫn từ nguồn lao động…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường. Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương với 3 thị trường.

Mặc dù thương mại biên giới phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Do vậy, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, cơ hội xúc tiến thương mại qua biên giới cũng như trao đổi về thông tin, tiềm năng thúc đẩy thương mại biên giới của đại diện địa phương có cửa khẩu biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đặc biệt, các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của địa phương, doanh nghiệp qua biên giới, từ đó đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cơ quan chức năng cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới.



Ngoài ra, các địa phương tập trung thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng, nhất là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo thành mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua cửa khẩu, nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển là đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt, giảm chi phí logistics.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, thương mại biên giới Nghệ An - Lào trong những năm qua có bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng của mỗi bên. Kim ngạch xuất nhập khẩu đối với thị trường Lào còn đạt thấp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Lào còn có tỷ trọng lớn là nguyên, nhiên liệu và sản phẩm thô, chưa qua chế biến, có giá trị gia tăng không cao. Số lượng hàng hóa xuất, nhập còn nhỏ, lẻ và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chủng loại, chất lượng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc ...

Để khắc phục những tồn tại khó khăn, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An kiến nghị và đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ và cơ quan liên quan có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Lào. Mặt khác, có lộ trình và tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng khu vực biên giới nhất là tại khu vực cửa khẩu có điều kiện phát triển để thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Lào; cụ thể hóa, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu.

Theo Đại diện chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng tầm và nâng cao hiệu quả của các hội chợ xúc tiến thương mại biên giới với Quảng Tây. Ngoài các hội chợ về giao dịch hàng hóa, có thể cân nhắc tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiêp logistics và hội nghị chia sẻ về thông tin thị trường...

Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho xúc tiến thương mại còn hạn chế, Bộ Công Thương có thể xây dựng phương án một cách trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Chẳng hạn như cân nhắc tập trung đẩy mạnh xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam.

Ngoài ra, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc; chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương.

Tại hội nghị, các địa phương, hiệp hội ngành hàng cũng thống nhất trong thời gian tới tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp có hiệu quả xúc tiến thương mại gắn với xúc tiến đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.../.

Hồng Ninh - Hương Thu