BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Quan điểm – Lập trường

Malaysia đã làm gì để hưởng lợi từ nguồn dầu khí ở Biển Đông

TTXVN 31/12/2017 13:07 |

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Malaysia được coi là quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông. Bất chấp những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Chính phủ Malaysia một mặt bằng mọi cách né tránh xung đột và đụng độ với tuyên bố “ kiên trì giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoại giao”, mặt khác không từ bỏ hoạt động khai thác nguồn dầu khí ở khu vực Biển Đông.

Giành được điều kiện khai thác dầu khí đặc biệt, từ những năm 1970 Malaysia bắt đầu hợp tác với những hãng dầu khí quốc tế lớn, liên tục khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông. Năm 1972, ngoài khơi bờ biển Sabah và Sarawak, lần đầu tiên phát hiện ra dầu mỏ. Ngay sau đó, rất nhiều giếng dầu được xây dựng tại đây, khai thác dầu mỏ của Malaysia triển khai từ đó. Theo thống kê, tổng lượng dầu mỏ của những giếng dầu này gấp hai lần nhu cầu tiêu thụ trong nước khi đó của Malaysia. Cho đến năm 1980, công suất lọc dầu mỗi ngày ở mức 280 đến 300 thùng, tương đương với 40 nghìn tấn. Dầu khí đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Malaysia. Khí hóa lỏng cũng bắt đầu xuất khẩu từ năm 1983, các nhà máy khí hóa lỏng được xây dựng ở Bintulu bờ biển Trung bộ Sarawak. Cho đến năm 2011, Malaysia khai thác tổng cộng 18 mỏ dầu và 40 mỏ khí tại vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn" trên Biển Đông mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền. Sản lượng dầu khí mỗi năm vượt 30 triệu tấn, sản lượng khí đốt gần 150 triệu m3/năm. 70% lượng dầu khí xuất khẩu của Malaysia đến từ vùng biển thuộc cái gọi là “đường 9 đoạn" trên Biển Đông. 

Đồng thời với việc không ngừng khai thác nguồn dầu khí Biển Đông, tại “Đối thoại Shangri-la” lần thứ 10 hồi tháng 6/2011, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đề nghị các nước liên quan thành lập một cơ quan chuyên môn để thúc đẩy các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là dầu lửa ở khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khi đó là ông Ahmad Zahid Hamidi nói với truyền thông: “Đối với chúng tôi, công việc quan trọng nhất không phải là đánh thắng được bao nhiêu trận, mà là tránh được bao nhiêu cuộc chiến tranh. Cố gắng để có thể tránh được khủng hoảng, xung đột hoặc chiến tranh mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng tôi. Hiện nay trong khu vực Biển Đông, vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà các nước đang đối mặt ở một mức độ rất lớn phát sinh từ lợi ích kinh tế. Và biện pháp giải quyết chính là tiến hành hợp tác khai thác cùng có lợi”. Ông còn lấy ví dụ hai nước Malaysia và Ấn Độ cùng đánh bắt cá trong vùng biển đang tranh chấp chủ quyền để minh họa cho tầm quan trọng của hợp tác cùng có lợi.

Ngoài ra, Malaysia còn đề xướng dựa vào phương thức tổ chức “Cơ chế cho vay với mục đích đặc biệt” (SPV) để tiến hành khai thác chung nguồn dầu khí. SPV có nghĩa là xây dựng một "công ty mục đích đặc thù", để các nước liên quan tham gia vào đó bằng hình thức cổ phần. Tiến hành khai thác chung tài nguyên bằng phương thức này, Malaysia có thể coi là có kinh nghiệm thành công. Hai nước Malaysia và Thái Lan đã thành công trong việc triển khai các dự án liên quan về khai thác chung trong khu vực biển tranh chấp phía Nam vịnh Thái Lan, dự án này trở thành trường hợp thành công đầu tiên của Đông Nam Á trong việc "gác lại tranh chấp, cùng khai thác chung" tài nguyên trên biển.

Theo quan điểm này, Malaysia ra sức khuyến khích các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gác lại tranh chấp lãnh thổ, tránh xung đột vũ trang, tiến hành khai thác chung ở Biển Đông, để theo đuổi hợp tác cùng thắng về mặt kinh tế.Malaysia  đã làm gì để hưởng lợi từ nguồn dầu khí ở Biển Đông./.