BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Kinh tế

Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng-an ninh

TTXVN 29/12/2017 17:27 |

Biển đảo Việt Nam:

Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

gắn với củng cố quốc phòng-an ninh

Cùng với việc quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế biển, Bạc Liêu luôn quán triệt chủ trương gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh.

* Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Là một địa phương hội tụ nhiều thế mạnh cho phát triển thủy sản, những năm qua, Bạc Liêu đã hình thành được một ngành thủy sản với sự tăng trưởng cao. Có được điều này chính là nhờ sự đầu tư cũng như những quy hoạch bài bản cho ngành thủy sản, trong đó thế mạnh nhất là con tôm.

Tỉnh Bạc Liêu đã ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất giống thủy sản, tập trung chuẩn hóa cơ sở vật chất và quy trình sản xuất giống. Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học-công nghệ trong quá trình sản xuất, đặc biệt đối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-rừng... Việc thực hiện những chính sách trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Diện tích nuôi thâm canh-bán thâm canh ở tỉnh Bạc Liêu liên tục được đầu tư mở rộng, từ 10.732 ha (năm 2010) tăng lên 19.153 (năm 2015). Đến nay, Bạc Liêu được xếp thứ hai cả nước về diện tích, quy mô, mô hình nuôi tôm và cả về nguồn tôm sú phục vụ xuất khẩu. Có thể nói, nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu là một trong những ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm 28% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh.

Bên cạnh thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu cũng đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại và các mô hình dịch vụ phục vụ cho khai thác, chế biến. Kết quả, hiện Bạc Liêu có tổng số phương tiện đánh bắt thủy hải sản 1.236 chiếc và thu hút gần 7.140 ngư dân tham gia. Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản thời gian qua mang lại lợi nhuận khá cao và sản lượng khai thác không ngừng tăng. Năm 2010, sản lượng nuôi trồng, khai thác đánh bắt đạt hơn 241.000 tấn, đến năm 2015 sản lượng đạt 290.000 tấn, năm 2016 sản lượng đạt 304.400 tấn; trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng đạt gần 60.000 tấn.

* Gắn với củng cố quốc phòng-an ninh

Cùng với việc quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế biển, Bạc Liêu luôn quán triệt chủ trương gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh; quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở các xã, phường, thị trấn ven biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ven biển. Bạc Liêu chỉ đạo việc xây dựng lực lượng tự vệ biển trên các tàu thuyền đánh bắt để vừa khai thác biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh-quốc phòng vùng biển và có khả năng phối hợp với các lực lượng vũ trang chính quy làm tốt nhiệm vụ tuần tra, tham gia chiến đấu và chi viện chiến đấu trên biển. Tỉnh đã thành lập nhiều phân đội tự vệ biển (mỗi phân đội có 25 người); tổ liên kết khai thác, đánh bắt hải sản trên biển; tàu làm nhiệm vụ đánh bắt hải sản kết hợp tuần tra, cảnh giới phát hiện các tàu, thuyền lạ xâm nhập trái phép lãnh thổ... Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng nhiều trung đội dân quân cơ động và tiểu đội dân quân tại chỗ tuyến ven biển. Các lực lượng này thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn.

Cùng với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, lực lượng công an các xã, phường, thị trấn ven biển cũng được quan tâm xây dựng. Ngoài lc lượng công an viên thường trực, cảnh sát khu vực, công an phụ trách ấp, các xã, phường, thị trấn ven biển, tỉnh còn xây dựng hàng trăm tổ an ninh nhân dân, hàng chục đội dân phòng, ban bảo vệ an ninh trật tự

Lực lượng vũ trang các huyện, thị ven biển thường xuyên phối hợp với lực lượng của quân khu, các quân, binh chủng đóng trên địa bàn tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh vùng biển; nắm tình hình, trao đổi thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an tuyến biển; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; quản lý các đối tượng có liên quan đến an ninh; kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động gây mất an ninh trật tự và sự chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh … ./.

                                                                             Lan Khanh