BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông – Vẫn có cách thức đối phó

TTXVN 31/12/2017 12:40 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Thời gian vừa qua, dư luận quốc tế không ngừng lên tiếng chỉ trích chính sách gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Chiến thuật của Bắc Kinh là gia tăng yêu sách chủ quyền, cải tạo trái phép các thực thể và sau đó "kiểm soát nguyên trạng" thành công. Bài viết trên trang  nationalinterest.org mới đây đã phân tích về chiến thuật này của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể "đi quá xa" trong chính sách đối ngoại, đặc biệt liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Theo bài viết, phản ứng ban đầu của một số học giả Trung Quốc trước mô hình chính sách đối ngoại mới của Bắc Kinh tại Biển Đông đó là rất thận trọng. Học giả Wang Jisi tại Đại học Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc chỉ nên tập trung vào chính sách “Tây tiến” và từ bỏ quan điểm hung hăng ở phía Tây Thái Bình Dương, bởi điều này chỉ dẫn đến xung đột dai dẳng và nguy hại với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Sự thận trọng của ông Wang như thể ông đã biết trước những gì sẽ xảy ra. Các sự kiện như những gì diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 5/2014 - nơi Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt một giàn khoan dầu trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - dường như đã khiến các quốc gia Đông Nam Á ngày một gắn kết với nhau để chống lại “chủ nghĩa phiêu lưu” của Trung Quốc.

Sự phản đối đồng lòng của các nước trong khu vực trước chính sách Biển Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình đã dần tăng lên trong những năm 2014 và 2015, với đỉnh điểm là phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay hồi năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng sau đó đã phần nào giảm sút. Philippines và Mỹ, vốn từng thiết lập một liên minh quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa, cuối cùng lại vấp phải rào cản khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền và nối lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.

Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đã có những tính toán khôn khéo hơn để  ngăn chặn vấn đề Biển Động trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận công khai trong suốt thời gian diễn ra các hội nghị quốc tế quan trọng, điều lẽ ra đã dẫn tới động lực quan trọng để chống lại Trung Quốc. 

Một chiến lược khác của Bắc Kinh đó là theo đuổi ngoại giao kênh 2. Trung Quốc đã tăng cường quan hệ kinh tế với Philippines trong năm 2017, và đảm bảo rằng các tranh chấp trên biển không được phép ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao nói chung. 

Tuy nhiên, các chuyên gia và học giả tại diễn đàn Stratbase ADRi về vấn đề Biển Đông mới đây cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, đi kèm với đòi hỏi chủ quyền ở hầu khắp khu vực này, không thể coi là việc đã rồi.

Nhà phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio cho rằng: “Đa số các quốc gia không thích những việc Trung Quốc đang làm, họ có thể trông đợi vào các đối tác ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia…, và tất cả kết hợp lại có thể lấn át hay áp đảo được Trung Quốc... Quân sự hóa các hòn đảo không có nghĩa là mọi thứ đã chấm dứt. Chừng nào các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bình tĩnh và đồng tâm nhất trí thì họ sẽ có sức mạnh để đối phó với Trung Quốc”./.