BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Kinh tế

Biển đảo Việt Nam: Hải Phòng biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế biển xứng tầm khu vực

TTXVN 06/09/2018 07:00 |


Biển đảo Việt Nam: Hải Phòng biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế biển xứng tầm khu vực

Hải Phòng (TTXVN 6/9)

Thành phố Hải Phòng có cảng Hải Phòng, bến Sáu Kho với hàng trăm năm hình thành, phát triển, tự thân nó là cửa ngõ hướng ra biển của miền Bắc Việt Nam. Từ thực tế này, Hải Phòng đương nhiên là trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phát triển Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị và trong tương lai như thế nào để xứng tầm với vị trí cực phát triển phía Bắc Việt Nam.

Là một chuyên gia, nhà quản lý, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng: Đã có thời gian, Hải Phòng là đầu tàu trong phát triển kinh tế biển của đất nước. Mặc dù vậy, ở từng giai đoạn, thành phố đã đánh mất cơ hội của mình để vươn tầm cao trong sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Giai đoạn 5 năm gần đây, đặc biệt là nửa nhiệm kỳ này, Hải Phòng mới tận dụng được vị trí địa lý, với cơ chế đột phá cùng đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bứt phá.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Để đánh giá đúng Hải Phòng đã thực sự là trọng điểm kinh tế biển của đất nước hay chưa cần nhìn nhận các yếu tố tạo thành một thành phố phát triển kinh tế biển theo đúng nội hàm của nó.

Chiến lược Biển Việt Nam, Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW đã chỉ rõ tiềm năng, ưu thế và giải pháp phát triển kinh tế biển của Hải Phòng. Cùng với đó, các luật, nghị định, quy hoạch phát triển cảng Hải Phòng đang được điều chỉnh kịp thời và thường xuyên. Sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước thông qua những công cụ chính sách đó đã tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động kinh tế biển của thành phố Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn còn đó những hạn chế, yếu kém nhất định trên nhiều mặt.

Trước hết, quy hoạch cơ sở hạ tầng của thành phố về cảng biển. Những năm gần đây, Hải Phòng có sự phát triển đột biến về sản lượng, số lượt tàu. Song, việc chia nhỏ quy hoạch cảng giai đoạn đầu có ưu điểm tạo sức hút đầu tư nhưng về lâu dài tạo nên sự manh mún. Hải Phòng hiện có quá nhiều bến cảng (44 bến cảng), không phát huy được lợi thế quy mô để phát triển và hiện đại hóa cảng… Một ví dụ minh chứng cho sự bất cập này, tổng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng năm 2016 đạt 79.203.153 tấn và năm 2017 đạt 78.602.810 tấn. Như vậy, sản lượng hàng qua các cảng biển năm 2017 chỉ bằng 99% so với năm 2016.

Dịch vụ logistics đã bước đầu phát huy vai trò, tuy nhiên chưa tạo thành chuỗi khép kín và hiệu quả dịch vụ thấp. Các loại hình dịch vụ cảng biển, đặc biệt là các dịch vụ tạo giá trị gia tăng, quy mô hầu hết còn nhỏ lẻ và manh mún, mặc dù tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này tương đối lớn. Các dịch vụ cho tàu biển như: Cung ứng thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, vật tư, sửa chữa, phục vụ nhu cầu khác của thuyền viên; dịch vụ gia tăng đối với hàng hóa như giao nhận, kiểm đếm, lưu kho bãi, vận chuyển, chưa quan tâm đúng mức.

Đội tàu vận tải biển Việt Nam còn nhỏ về quy mô, tuổi tàu lớn, năng lực cạnh tranh thấp ngay tại thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong những năm gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cũng như hạn chế về quản lý dẫn đến thua lỗ, nguy cơ phá sản. Vận tải nội địa gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp của Hải Phòng chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Hải Phòng chưa chú trọng đầu tư cho lĩnh vực vận tải biển.

Về công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, mặc dù có quy hoạch Hải Phòng là trung tâm công nghiệp tàu thủy lớn trong cả nước, song sau những sai lầm về đầu tư phát triển của Tập đoàn Vinashin, cơn bão khủng hoảng các Nhà máy đóng và sửa chữa tàu chưa thể khắc phục ngay được. Hiện nay, chỉ còn ít nhà máy có thể trụ vững, trong đó có một nhà máy FDI. Ngoài ra, kéo theo đó là sự thua lỗ, phá sản của các cơ sở dịch vụ phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu mới được hình thành còn non trẻ.

Các lĩnh vực khác như đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản, Hải Phòng đã có nhiều cố gắng tuy nhiên kết quả đạt được mới ở mức rất khiêm tốn. Chưa có nhiều thương hiệu thủy sản lớn gắn liền với tên Hải Phòng, vươn ra các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ... Du lịch biển đảo Hải Phòng có tiềm năng lớn nhưng việc đầu tư, khai thác và quản lý còn hạn chế. So với một số địa phương khác trong nước như Quảng Ninh, Đà Nẵng…, Hải Phòng kém xa về phát triển du lịch.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển cũng còn hạn chế. Hiện nay chỉ có Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế cho lĩnh vực hàng hải, công trình biển, đóng tàu, logistics cho ngành và thành phố, các lĩnh vực khác gần như bỏ trống hoặc chất lượng thấp. Đây chính là khâu đột phá cho phát triển kinh tế biển nhưng chưa được Chính phủ và Hải Phòng quan tâm đúng mức...

Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ, để Hải Phòng phát triển đột phá về kinh tế biển, tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần thiết phải có cơ quan quản lý Cảng đủ mạnh để quản lý, đầu tư, kinh doanh khai thác cảng như mô hình các nước tiên tiến trên thế giới (Port Authority). Về lâu dài, cần giảm bớt đầu mối khai thác cảng, phân khu rõ ràng.

Hải Phòng cần tạo sự kết nối giữa cảng với các loại hình vận tải khác, tạo thành mạng lưới vận tải đa phương thức tới cảng như: Vận tải thủy, bộ, sắt. Đặc biệt, xây dựng tuyến đường sắt mới kết nối cảng với hệ thống đường sắt quốc gia, khẩn trương xây dựng mới đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, xây dựng mạng đường thủy nội địa kết nối vùng. Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc ven biển cần đẩy nhanh quá trình xây dựng.

Thành phố cần có cơ chế, chính sách tạo sự đột phá về phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ gia tăng của cảng biển; cần tiếp tục đầu tư, có cơ chế để ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu ở Hải Phòng ổn định và phát triển. Thành phố cũng cần quan tâm phát triển đội tàu Việt Nam, trong đó có đội tàu của các doanh nghiệp Hải Phòng.

Bên cạnh đó, thành phố cần đầu tư phát triển các dịch vụ thủy sản, tạo điều kiện phát triển các thương hiệu mạnh về thủy sản Hải Phòng; xây dựng cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng cho thủy sản. Song song với đó phát triển các khu du lịch biển đảo đẳng cấp quốc tế, quản lý nâng cấp những khu du lịch hiện hữu để thu hút du khách đến Hải Phòng.

Việc tập trung phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và viện nghiên cứu chuyên ngành cũng là một trong những nội dung quan trọng, tạo bước đột phá để Hải Phòng phát triển, trở thành trọng điểm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần./.

        Đoàn Minh Huệ