BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Kinh tế

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Bái Tử Long

TTXVN 29/12/2017 17:12 |

                                                       Biển đảo Việt Nam:

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Bái Tử Long

Nếu như Vịnh Hạ Long được xếp vào hàng di sản thiên nhiên thế giới thì vịnh Bái Tử Long lại mang vẻ đẹp hoang sơ với đa dạng loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Năm 2006, Công ty du lịch sinh thái Gecko Travel (Anh) đã bình chọn Vịnh Bái Tử Long lọt vào tốp 5 những địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Đông Nam Á.

* Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc

Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo lớn và có dân sinh sống. Dân cư trên vịnh sống tập trung ở huyện đảo Vân Đồn và các đảo Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng và các vùng ven biển Bến Do, Cửa Ông... Người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản.

Các đảo ở Bái Tử Long là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, có tuổi kiến tạo địa chất khoảng 300 triệu năm, do quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình carxtơ bào mòn, phong hoá tạo ra những hình thái đặc biệt như một bức tranh thủy mặc. Trên các đảo đá của Vịnh cũng có các hang động carxtơ, đặc biệt là hang Quan (hang Hải quân)  nơi mà tầu thuyền xưa kia thường trú ẩn  trong những khi biển động.

Các đảo và cụm đảo khác nổi tiếng khác như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn, Hòn Ỏn, Hòn Ba Sao, núi Chân Nghĩa... là những điểm du lịch hấp dẫn. Trên Vịnh Bái Tử Long có nhiều đảo đất nên có nhiều dân cư sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Đông Chén, Thẻ Vàng... Đặc biệt, đảo Khỉ (đảo Rều) nằm cách thành phố Cẩm Phả không xa, đây là nơi đây nuôi rất nhiều giống khỉ vàng để lấy dược liệu làm vắcxin phòng chống bệnh liệt não.

Nơi đây còn thu hút những du khách bởi những đặc sản nổi tiếng của vùng như: Sá Sùng - một loại giun biển rất nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn rất nhiều hải sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao như: cá giò, cá song, tu hài, tôm, cua, ghẹ, cù kì (giống con ghẹ nhưng ngon hơn rất nhiều), hến, ốc nhảy, ốc hương, mực… cũng là những món ăn đáng nhớ, làm tăng thêm nét hấp dẫn cho cuộc hành trình đầy kỳ thú của du khách về một vùng du lịch còn đang được đánh thức…

* Nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng

Vùng Vịnh Bái Tử Long được coi là “cái nôi” của người Việt cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000-3.500 năm, đó là: Văn hoá Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long. Hiện nay khu vực Vịnh Bái Tử Long còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hoá quan trọng đã được xếp hạng như: Cụm di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật đình Quan Lạn, cụm di tích chùa, tháp tại xã Thắng Lợi, di tích Khu lưu niệm Hồ Chủ tịch tại xã đảo Ngọc Vừng, chùa Cái Bầu, nghè Trần Khánh Dư ... Đặc biệt là Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn nổi tiếng là một trong những xuất phát điểm của con đường tơ lụa trên biển.

Đền thờ Trần Quốc Tảng (còn gọi là đền Suốt) ở gần Cẩm Phả, đồn Tĩnh Hải, thành nhà Mạc (trên đảo Ngọc Vừng), đỉnh Quan Lạn (trên đảo Quan Lạn), chùa 100 gian ở xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn-Quảng Ninh) là trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

          * Đa dạng sinh học cao

Vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới.

Theo các nhà nghiên cứu, vùng Vịnh Bái Tử Long có tới 28 loài thực vật ngập mặn, đây là nơi sinh sống của 109 loài cá, 15 loài tôm, 48 loài động vật đáy, 14 loài chim, 41 loài rong biển… Hầu hết các giống loài động thực vật có mặt tại khu vực Vịnh Hạ Long thì cũng thấy xuất hiện ở vùng Vịnh Bái Tử Long. Riêng đối với hệ sinh thái hang động và tùng áng, khu vực Vịnh Bái Tử Long chủ yếu là các đảo đất nên quá trình phát triển các hệ sinh thái hang động và tùng áng có phần kém hơn khu vực Vịnh Hạ Long. Các hang động, tùng áng ở Vịnh Bái Tử Long tập trung chủ yếu ở đảo Cái Lim và đảo Trà Bản. Qua điều tra và khảo sát, phát hiện có 13 hang động và 8 tùng áng, trong đó hang Nhà Trò và hang Cái Lim là hai hang động lớn có thể đưa vào khai thác phát triển du lịch.

          Vùng biển Bái Tử Long còn có 391 loài động vật biển, trong đó có 173 loài hải sản, với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế như: Cá thu, cá nhụ, cá song, cá gáy, hồng, mực nang, mực ống, tôm các loại, sá sùng, hải sâm, bào ngư...

          Có thể nói, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cùng với những giá trị văn hoá, lịch sử và đa dạng sinh học, Vịnh Bái Tử Long có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Vịnh Bái Tử Long để khai thác dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì phải giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Bái Tử Long./.

 Tuấn Anh