BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Nhân Tuần lễ Biển đảo Việt Nam năm 2020: Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn-Thanh Hóa * Bài 1: Khơi dậy tiềm năng và lợi thế “đặc biệt”

TTXVN 07/06/2020 07:00 |


Nhân Tuần lễ Biển đảo Việt Nam năm 2020: Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn-Thanh Hóa * Bài 1: Khơi dậy tiềm năng và lợi thế “đặc biệt”

Thanh Hóa (TTXVN 7/6)

Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia (cũ). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.

Những ngày đầu tháng 6, phóng viên TTXVN đã đến với vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế biển đảo này để tìm hiểu những thành tự mà Đảng bộ, quân với dân huyện Tĩnh Gia trước kia đã đạt được trong phát triển kinh tế biển đảo, cũng như khó khăn, vướng mắc hiện nay cần tháo gỡ, nhằm nhanh chóng đưa thị xã non trẻ Nghi Sơn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài về “Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn -Thanh Hóa”, phát ngày 7/6.

 Bài 1: Khơi dậy tiềm năng và lợi thế “đặc biệt”

Thị xã Nghi Sơn nằm ở cực Nam của tỉnh Thanh Hóa giáp tỉnh Nghệ An, phía Đông giáp biển có tổng diện tích 45.561ha với địa hình bán sơn địa, bao gồm đồi núi, vùng đồng bằng và đất bãi ven biển, đường bờ biển dài 42km và những dải cát mịn kéo dài qua 3 cửa lạch là lạch Bạng, lạch Ghép và lạch Hà Nẫm. Nghi Sơn có 15 phường ven biển, từ lạch Ghép đến giáp tỉnh Nghệ An (gồm: Hải Châu, Hải Ninh, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Hòa, Hải Thanh, Bình Minh, Hải Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng, Nghi Sơn và Hải Hà). Từ bao đời nay, nhân dân vùng ven biển đã phát triển mạnh nghề khai thác, chế biến hải sản, trở thành nghề chính ở thị xã. Những năm gần đây, kinh tế biển còn phát triển thêm nhiều mảng như du lịch biển, nuôi trồng thủy sản nước mặn, góp phần khơi dậy tiềm năng và lợi thế “đặc biệt” từ biển để làm giàu.

* Chủ động, linh hoạt vượt khó

 Đề cập về quá trình vượt qua gian khó của thị xã Nghi Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Trước năm 2000, huyện Tĩnh Gia (cũ) là huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Do vùng sản xuất nông nghiệp của huyện diện tích thâm canh lúa hạn hẹp, không chủ động được nước tưới nên chủ yếu trồng khoai, lạc, vừng. Các xã ven biển đa số tàu thuyền công suất thấp chỉ quẩn quanh đánh bắt hải sản ven bờ. Vì vậy, vào những tháng giáp hạt, tỉnh luôn phải hỗ trợ lương thực cứu đói cho hàng nghìn người dân.

Khởi nguồn trong phát triển kinh tế của Tĩnh Gia kể từ khi Đảng bộ huyện đề ra Chương trình kinh tế biển, xác định rõ phải lấy kinh tế biển là mũi nhọn, không những vượt qua đói nghèo mà phải làm giàu vững chắc từ tài nguyên biển hiện có. Được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành đánh giá lại tiềm năng, thực trạng sản xuất ngư nghiệp ở từng xã biển, để có cơ sở quy hoạch cụ thể, chi tiết về đường hướng đánh bắt, nuôi trồng hải sản và dịch vụ nghề cá phù hợp cho từng vùng.

Hiện thực sống động nhất là cuối năm 1998, Dự án Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lạch Bạng - đảo Mê được xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2004, làm sống lại nghề đánh bắt hải sản truyền thống của ngư dân hai xã Hải Thanh và Hải Bình (nay là phường Hải Thanh và phường Hải Bình). Hàng ngày, Cảng cá Lạch Bạng đón hàng nghìn lượt tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào neo đậu, tránh trú, buôn bán hải sản, các nhu yếu phẩm phục vụ cho việc vươn khơi. Lượng hải sản tập kết tại Cảng lên tới hàng trăm nghìn tấn, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động của xã Hải Bình (cũ).

Ông Trần Văn Khuyên, 62 tuổi, ở tổ dân phố Liên Đình, phường Hải Bình giãi bày: “Tôi làm nghề biển từ năm 10 tuổi, nhưng từ năm 1995 đến năm 2000 phải bỏ quê đi làm thuê cho chủ thuyền từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Nguyên do là tàu của vùng mình công suất thấp, chỉ đánh bắt trên biển từ 10km đổ lại nên lỗ triền miên. Để đóng một con tàu có khả năng đánh bắt xa bờ, chi phí phải bỏ ra ít nhất là 2-3 tỷ đồng. Số tiền này vượt khả năng của tôi và của nhiều ngư dân nơi đây. Đa số ngư dân buộc phải bỏ nghề biển làm xe ôm, chăn nuôi gia cầm hay làm bốc vác thuê.

Nhờ gói hỗ trợ ngư dân 16.000 tỷ đồng của Chính phủ để đóng tàu khai thác hải sản xa bờ, cộng thêm vay của Quỹ Tín dụng nhân dân, chung vốn với bạn nghề, vì thế chẳng riêng gì gia đình ông Khuyên mà nhiều người ở phường Hải Bình đã đóng mới được 45 tàu công suất lớn, thừa sức đánh bắt mãi tận vùng biển Trường Sa. Nhờ vậy, sản lượng hải sản khai thác bình quân của phường trong 5 năm gần đây đạt tới 2.700 tấn/năm. Đây là điều mơ ước của ngư dân trước kia giờ đã trở thành hiện thực.

Theo báo cáo của UBND thị xã Nghi Sơn, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2019 của thị xã đạt 36.349 tấn, tăng 13,5% so với kế hoạch đề ra; tăng gần 6.000 tấn so với năm 2010. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 33.772 tấn; sản lượng nuôi trồng 2.577 tấn, tăng 28,85 %. Tổng số có 2.363 tàu cá với tổng công suất 233.351 CV, trong đó có 752 tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất từ trên 90 CV, 909 tàu khai thác thủy sản ven bờ có công suất từ 20 CV trở lên. Ba tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 36.349 tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng khai thác 33.772 tấn, sản lượng nuôi trồng 2.577 tấn.

 * Đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản an toàn, đa dạng sinh học

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, nếu như từ năm 2015 trở về trước, nghề nuôi trồng thủy sản của các địa phương có biển nặng theo phương thức quảng canh, may mắn mới có lãi, gặp dịch bệnh hay sự cố ô nhiễm là “mất cả chì lẫn chài”. Những năm gần đây, địa phương đã có thay đổi rất lớn về tư duy và phương pháp nuôi trồng. Các cơ quan chức năng của thị xã đã kiên trì bám địa bàn, thuyết phục các hộ ven biển có diện tích nuôi tập trung như: Hải Bình, Hải Thanh, Bình Minh, Xuân Lâm, Hải Hà, Nghi Sơn, Hải Châu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng lựa chọn đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, trình độ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Thuyết phục người dân chuyển hình thức nuôi trồng quảng canh sang nuôi thâm canh, mặt khác đa dạng các loài nuôi theo hướng an toàn, đa dạng sinh học.

Đến thăm vùng nuôi trồng thủy sản tại phường Nghi Sơn (tên gọi trước kia là Biện Sơn), mới cảm nhận hết được các doanh nghiệp và người dân nơi đây đã tận dụng tiềm năng và lợi thế “đặc biệt” của vùng vịnh biển hiệu quả như thế nào. Trên mặt vịnh rộng lớn, những bè nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao là cá vược, cá mú, cá hồng mỹ, cá giò, tôm hùm, ốc hương bằng hình thức nuôi lồng, bè chen nhau như mắc cửi. Con hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh nuôi bằng giàn bè và bãi triều ven biển trên cùng một đơn vị diện tích, đã tận dụng được những đặc điểm sinh học của các loài hải sản để hạn chế dịch bệnh, vừa giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất…

Chị Lê Thị Nga, nhân viên Nhà hàng đặc sản Biển Nhớ tọa lạc ngay tại vị trí đắc địa trên vịnh Nghi Sơn khoe: “Bà chủ em hùn vốn với các chủ nuôi hải sản nên chỉ cần khách yêu cầu, lập tức mọi loại cá, tôm, cua, ốc, hàu…từ bè nuôi được chuyển thẳng vào nhà bếp tươi rói, giá cả rẻ nhất vùng Thanh Hóa đấy!”. Đúng là “trăm nghe không bằng mắt thấy”, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng và thưởng thức món cá mú (có con lên tới 9kg), tôm hùm (loại 3 con trên 2kg) và ốc hương mỗi con bằng ngón chân cái người lớn, đã chế biến, mà giá chỉ bằng 2/3 ở Chợ Hải sản thành phố Thanh Hóa bán tươi sống.

Nhờ đa dạng hóa các loài vào nuôi trồng thủy hải sản, năng suất và sản lượng nuôi trồng của thị xã Nghi Sơn ngày càng gia tăng. Hằng năm, tổng diện tích nuôi trồng nước mặn, nước lợ 542 ha cho sản lượng đạt gần 2.000 tấn sản phẩm. Đặc biệt, việc nuôi đa dạng hóa, kết hợp các loài nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, hiệu quả mang lại là hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường. Nên dư lượng các hóa chất tồn dư trong khu vực nuôi và sản phẩm nuôi không đáng kể, bảo đảm an toàn thực phẩm.

* Khởi động du lịch biển

Là thị xã ven biển phía Nam của xứ Thanh, Nghi Sơn không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển thoải dài mênh mông cát trắng, mà còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng, những di tích, lễ hội tâm linh độc đáo…để du khách thăm thú trong những dịp Hè. Đó là vùng Hải Hòa, Hải Thanh, bán đảo Nghi Sơn hay còn gọi là hòn Biện, đảo Biện, cù lao Biện.

Các đền, chùa, miếu mạo ở đây phải kể đến Đền Quang Trung thuộc khu dân cư Du Xuyên, phường Hải Thanh. Chùa Đót Tiên trên núi Non Tiên gần cửa sông Bạng, được xây dựng năm 1755  vốn là căn cứ Biện Sơn. Chùa còn giữ được nhiều bia hiệu các thời Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định. Chùa có thờ tượng Liễu Hạnh Công chúa (Vua Lê Cảnh Hưng). Cũng ngay cửa sông Bạng nằm trên một mỏm núi có Khu đền Lạch Bạng hướng ra biển thờ các vị thần Sát Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh nương, Tô Hiến Thành, Hoàng Minh Tự. Đền vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như chuông đồng đúc vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), 32 đạo sắc của các triều vua phong kiến Việt Nam từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 phong cho các vị nhân thần…

Hàng năm vào dịp mùa Xuân, người dân trong vùng tổ chức Lễ hội Cầu ngư và bơi chải trước cửa khu đền để làm vui lòng thần, cầu mong các vị thần linh phù hộ cho ngư dân “xuôi chèo mát mái”, cập bến an toàn, cuộc sống no ấm, đủ đầy. Di tích Pháo đài Tĩnh Hải, tương truyền từ đầu đời Gia Long, triều Nguyễn đã cho xây bảo Biện Sơn tại cửa Bạng. Đời Minh Mạng năm thứ 9  xây Pháo đài này.

Có người ví von, du lịch biển của thị xã Nghi Sơn giống như thiếu nữ làng chài “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” mới được đánh thức khoảng 5 năm gần đây. Hiện cả thị xã mới có 124 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 22 khách sạn và 102 nhà nghỉ. Năm 2019, số lượt khách đến nghỉ ngơi tắm biển khoảng 675.000 lượt, doanh thu 710 tỷ đồng là quá khiêm tốn so với tiềm năng đa dạng về du lịch biển mà thị xã hiện có.

Trong số các khu, điểm du lịch biển của thị xã Nghi Sơn, du khách trong nước tìm đến đông nhất là Khu Du lịch biển Hải Hòa. Khu du lịch này có diện tích trên 100 ha nằm chủ yếu trên địa phận tổ dân phố Giang Sơn và Đông Hải, cách Quốc lộ 1A khoảng 3km. Bãi biển nơi đây đang giữ được những nét hoang sơ ngập tràn cát trắng, men theo rặng phi lao xanh mướt dài 20 km về hướng Bắc cho đến tận phường Hải Ninh và chỗ nào cũng có thể tắm được. Từ đây có thể nhìn ra đảo Hòn Mê như viên ngọc xanh giữa biển khơi, phía Nam là núi Thổi và núi Chay chạy tới tận mép biển.

Theo nhận xét của chị Trần Kim Phượng (Cầu Giấy-Hà Nội), bãi tắm ở Hải Hòa đẹp hơn so với Sầm Sơn, môi trường ở đây chưa bị ô nhiễm và thích nhất là người dân địa phương khá hiền lành thuần phát. Tắm biển rất thú vị theo đúng nghĩa của nó.

Chúng tôi hỏi chuyện làm du lịch với anh Lê Văn Khoa 45 tuổi là chủ quán Hương Biển. Bằng chất giọng “ăn sóng nói gió”, anh cho biết: Vùng quê Hải Hòa của anh trước năm 2000 rất nghèo khó. Do là vùng biển ngang nên chỉ có thuyền, bè nhỏ câu thủ công gần bờ. Khá hơn, hàng chục gia đình chung nhau mua lưới “rùng” đánh bắt cũng chỉ cách bờ hơn 1km nên chỉ thu hoạch được cá nhỏ mà thôi, nhưng khi biển động là “ chỉ có treo niêu”. Ruộng vườn ít mà toàn đất pha cát. Kể từ khi khu du lịch biển mở ra, nhiều gia đình trong phường mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng ăn uống, người lưng vốn dày hơn xây nhà nghỉ bình dân. Lớp trẻ đua nhau học nghề hướng dẫn du lịch, nấu ăn, lái xe…và hầu hết có việc làm. Anh Khoa tiếc là làm du lịch biển nơi đây chỉ được mấy tháng mùa hè. Giá như thị xã thu hút được thêm những doanh nghiệp mở các khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, có cả sân gôn... chắc chắn vùng biển Hải Hòa sẽ trở thành điểm đến của cả khách quốc tế trong 12 tháng của năm.

Mong ước chính đáng của anh Khoa và người dân Hải Hòa sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Bởi sự kiện huyện Tĩnh Gia cũ chính thức trở thành thị xã Nghi Sơn kể từ ngày 1/6/2020, là động lực to lớn để Đảng bộ và người dân đồng lòng phát huy tối đa nội lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là kinh tế biển đầy hứa hẹn nơi đây./.

Văn Hào

*Bài 2: Chuỗi sản xuất hải sản an toàn ở vùng biển Hải Bình ( TTXVN 7/6)