BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Văn hóa - Xã hội

Cần nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ

TTXVN 26/12/2017 00:00 |

Cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng và đã thu được nhiều thành tựu, hướng tới phát triển bền vững.

Cảng Hòn La có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT, một lợi thế góp phần
thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thời gian qua, cách tiếp cận này đã được áp dụng thí điểm tại nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Quảng Nam. Một số địa phương đã xây dựng được các chiến lược và kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương mình và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Dựa trên thành công và kinh nghiệm của những dự án thí điểm này, Chính phủ đã quyết định nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ trên phạm vi toàn quốc với Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007 về phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Chương trình được thực hiện cho 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Cùng với những nỗ lực từ bên trong, Việt Nam cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ đắc lực về tài chính và kỹ thuật từ nhiều Chính phủ và tổ chức nước ngoài trong triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ dưới dạng các dự án ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Đặc biệt, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa qua; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014), chính là những nỗ lực của Việt Nam trong việc thể chế hóa phương thức quản lý mới này. Tuy vậy, việc nhân rộng và vận hành một mô hình quản lý dù đã được chứng minh qua thực tiễn, mở ra cơ hội lớn cũng như thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.


Để triển khai thành công quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam trong thời gian tới, đã đến lúc cần có những công cụ để đánh giá việc thực hiện các nỗ lực quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm nhìn nhận lại những thành công, thất bại hay những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình nhân rộng quản lý tổng hợp vùng bờ trên tất cả các địa phương có biển.

Việc nghiên cứu, lựa chọn các chỉ thị để giám sát, đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, dựa trên hướng dẫn của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có các điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam. Các chỉ thị sẽ cung cấp thông tin, số liệu - yếu tố đầu vào giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết định hợp lý trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Lê Minh