BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Quan điểm – Lập trường

Các “sự cố” trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

TTXVN 31/12/2017 13:12 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thực thi chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề liên quan tới Biển Đông cũng được Washington đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh chủ đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nóng lên nhanh chóng sau những hoạt động quân sự hóa và những hoạt động trái phép của Trung Quốc nhằm chiếm giữ một vùng rộng lớn ở Biển Đông, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng triển khai các hoạt động duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Các sự cố đụng độ giữa lực lượng của Mỹ và Trung Quốc cũng vì thế xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều.

Tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Năm 2016, cùng với việc Chính quyền Tổng thống Aquino của Philippines đơn phương thúc đẩy thủ tục kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế liên quan tới những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông ngày càng được tăng cường. Tháng 1/2016, tàu khu trục mang tên lửa USS Curtis Wilbur tiến vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Tháng 5, tàu khu trục trang bị tên lửa USS William P. Lawrence lớp Arleigh Burke tiến vào phạm vi 12 hải lý của đá Chữ Thập. Tháng 6, hải quân Mỹ một lần nữa cử 3 tàu khu trục thuộc lớp Aegis triển khai hoạt động “giám sát cảnh giới” ở Biển Đông. Tháng 10, tàu khu trục USS Decatur (DDG-73) tiến vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Tháng 2/2017, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) tiến vào Biển Đông.

Cho dù đã triển khai một loạt hành động, nhưng Mỹ vẫn không đạt được hiệu quả mong muốn làm thay đổi xu thế chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thậm chí, Trung Quốc còn sử dụng biện pháp quân sự để đáp trả hành động của Mỹ ở Biển Đông, khiến các nguy cơ đụng độ giữa lực lượng hai nước trên Biển Đông gia tăng. Tháng 5/2015, hải quân Trung Quốc đã phát cảnh báo đối với máy bay tuần tra P-8A của hải quân Mỹ đang tiến hành nhiệm vụ trinh sát ở các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa. Tháng 12/2015, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay gần các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa. Mặc dù quân đội Mỹ giải thích rằng kế hoạch bay lần này hoàn toàn nằm ngoài dự tính, “không có ý định bay vào vùng 12 hải lý thuộc các đảo, đá ở Biển Đông”, phía Mỹ đang tiến hành điều tra vụ việc liên quan, song lực lượng trên đảo, đá của Trung Quốc vẫn tiến hành cảnh báo xua đuổi đối với 2 máy bay ném bom chiến lược B-52. Nhằm vào hành động của tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải, đặc biệt là tiến vào vùng biển 12 hải lý ở Biển Đông, Trung Quốc sử dụng tàu chiến để tiến hành nhận biết, kiểm chứng đối với tàu chiến của Mỹ, đồng thời đưa ra cảnh bảo xua đuổi. Tháng 12/2016, hải quân Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ, làm chấn động phương Tây. Tờ The Independent của Anh gọi sự kiện này là “xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước lớn trong mấy chục năm qua”. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc lập tức trả thiết bị lặn này, song Trung Quốc không chấp nhận. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phản ứng sau khi quân đội Mỹ liên tục cử máy bay và tàu chiến trinh sát gần và đo lường quân sự trên vùng Biển Đông.