BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Biển đảo Việt Nam: Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển

TTXVN 14/01/2020 13:58 |

Biển đảo Việt Nam: Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển

Trà Vinh (TTXVN 14/1)

Ngày 14/1, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học về “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ”. Dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh là một trong những được đánh giá giàu tiềm năng về kinh tế biển. Vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư để khai thác nguồn tiềm năng này một cách hiệu quả.



Được sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, Trà Vinh đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, như: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu Kinh tế Định An là một trong 16 Khu kinh tế ven biển của nước, cảng Định An là cảng biển lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, tỉnh còn thu hút được nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn về năng lượng tái tạo như: điện gió, điện năng lượng mặt trời, các dự án về nuôi trồng, thủy sản,… Đây là các điều thuận lợi lớn giúp cho Trà Vinh thực hiện chiến lược, các mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế trọng tâm trên nhiều lĩnh vực về giao thương hàng hải quốc tế; công nghiệp và thương mại; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản,…



Tuy có tiềm năng, lợi thế nhưng Trà Vinh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả tương xứng và bền vững. Một trong những khó khăn lớn của tỉnh là về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là về giao thông chưa kết nối thông suốt với các tỉnh thành trong khu vực, các khu kinh tế chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản với qui mô lớn và hiện đại chưa phát triển,… Vì vậy, Trà Vinh đang rất cần những ý kiến phân tích, đánh giá, đóng góp một cách khách quan, khoa học về tiềm năng, giải pháp hiệu quả từ các chuyên gia và nhà khoa học.



Góp ý kiến tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đều khẳng định, Trà Vinh là tỉnh giàu tiềm năng để đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì thế, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chọn thành lập 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức.



Điển hình, hoạt động liên kết phát triển kinh tế biển với các tỉnh trong khu vực chưa chặt chẽ, thiếu những công trình, dự án quan trọng về du lịch biển, giao thông ven biển, nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản còn ở qui mô nhỏ, chưa hiện đại,…Đây là một trong những “rào cản” mà Trà Vinh cần quan tâm tháo gỡ.



Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, trước hết Trà Vinh cần tranh thủ Trung ương hỗ trợ để thực hiện hóa Nghị quyết số 36 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.



Tỉnh cần tập trung cho qui hoạch, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ các dự án kinh tế thuần biển, như: khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; giao thông vận tải biển; du lịch biển; năng lượng tái tạo; xây dựng chiến lược phát triển logistics và quản lí chuỗi cung ứng để đầu tư phát triển kinh tế biển đúng hướng, tạo ra bước đột phá.



Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, Viện Sinh học Nhiệt đới cho rằng,  hiện nay việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển đang là một tách tức mang tính toàn cầu. 



Vì vậy, đối với Trà Vinh cần sớm thực hiện điều tra đánh giá nguồn lợi vùng ven biển cả tỉnh; tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển cho công nghệ cốt lõi liên quan đến nghề nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường; bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo sinh cảnh và sinh trưởng mạnh mẽ các loài thủy hải sản.



Đây là những việc cần làm và ưu tiên nhằm giúp cho Trà Vinh khai thác và phát triển một cách hiệu quả và bền vững từ nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, đóng góp nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế./.



Phúc Sơn