BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Biển đảo Việt Nam: Ninh Thuận phát triển bền vững nghề nuôi biển

TTXVN 24/01/2020 16:00 |


Biển đảo Việt Nam: Ninh Thuận phát triển bền vững nghề nuôi biển

Ninh Thuận (TTXVN 24/1)

Để góp phần làm giảm áp lực khai thác nguồn hải sản ven bờ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững, trọng tâm là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao để giúp người dân vùng biển nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

*Thực trạng nghề nuôi biển

Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105 km cùng với hệ thống đầm, vịnh, ao đìa đa dạng cộng thêm môi trường biển, nhiệt độ và độ mặn rất thích hợp nuôi một số loại cá biển và các loài nhuyễn thể. Với lợi thế này, thời gian qua ngư dân các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, hàu, ốc hương, cua ghẹ và cá loại cá biển...

Ngư dân Phan Hữu Tuấn, xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) người có thâm niên trong nghề nuôi tôm hùm lồng cho biết, trước đây gia đình nuôi thử nghiệm vài lồng, đến nay nhân rộng lên 40 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán 4 lần, mỗi lần khoảng 3.000 con tôm hùm xanh.

Hiện nay, giá bán bình quân từ 700.000 - 750.000 đồng/kg, thu nhập từ nuôi tôm hùm xanh cao gấp 2 đến 4 lần so với nuôi trồng các đối tượng hải sản khác.

Nếu như năm 2015, toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có 310 lồng nuôi tôm hùm thì đến nay tăng lên 1.950 lồng thả nuôi với sản lượng thu hoạch trên 75 tấn. Song song đó, các loại cá biển nuôi cũng có sự tăng mạnh về cả số lượng lồng bè và sản lượng thu hoạch như: cá bớp 320 tấn; hàu, cua, ghẹ 971 tấn, cá mú 35 tấn, ốc hương 1.200 tấn, tôm thương phẩm trên 6.770 tấn. Dự kiến số lượng lồng, bè nuôi sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề nuôi biển đang gặp không ít khó khăn, thiếu tính ổn định do điều kiện địa lý vùng biển Ninh Thuận là vùng biển hở, không có đảo che chắn nên vào mùa gió Tây Nam sóng to gió mạnh hoặc lúc có bão lũ, thiên tai, các lồng bè buộc phải di chuyển giữa vùng quy hoạch nuôi C1, C2 (huyện Ninh Hải) và biển Bình Sơn - Ninh Chữ để trú ẩn, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và quy hoạch phát triển du lịch ven biển.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tiềm năng nuôi các loại cá biển, hải sản rất lớn, song hiện nay các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Nguyên nhân do nghề nuôi biển chủ yếu còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi hạn chế, trình độ kỹ thuật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dễ dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng tại một số vùng sản xuất tập trung chưa được xây dựng đồng bộ và ngày càng xuống cấp, không có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ hoạt động sản xuất giống thủy sản. Nước thải từ các ao nuôi vẫn chưa được xử lý triệt để theo tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường bên ngoài khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, gây suy giảm chất lượng nước ngầm và nước biển ven bờ.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại cá tạp, nhuyễn thể làm thức ăn cho cá, tôm dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Nguồn thức ăn dư thừa cùng rác thải sinh hoạt trên lồng bè xả thẳng xuống biển dễ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh đang thiếu các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu cá thương phẩm cũng như việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh dẫn tới hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi biển chưa cao.

*Cải tạo để phát triển

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết, năm 2020, để khai thác tiềm năng, lợi thế về môi trường biển, tỉnh Ninh Thuận cùng ngư dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về tuân thủ quy hoạch vùng nuôi cũng như tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, tập trung phát triển các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, căn cứ Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật, theo đó quy định từ ngày 25/4/2020 các loại hình nuôi lồng bè trên biển phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Vì vậy, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu vùng nuôi, xác định vị trí tọa độ vùng nuôi lồng bè để làm cơ sở khoa học cấp phép nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân theo đúng quy hoạch.

Để nâng cao hiệu quả nghề nuôi biển, Ninh Thuận khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước hợp tác đầu tư quy trình, chuyển giao kỹ thuật nuôi tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương nghiên cứu, áp dụng mô hình nuôi cá lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái để nâng cao năng suất gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Trong tình hình nghề nuôi tôm thương phẩm gặp khó khăn do giá cả bấp bênh, diện tích thả nuôi giảm, Ninh Thuận đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nguồn giống các loại cá biển có giá trị kinh tế cao như cá mú Trân Châu, cá bớp, cá chẽm, cá chim vây vàng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi, hướng dẫn người nuôi ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường quản lý về thức ăn, chất cải tạo xử lý môi trường ao nuôi, kiểm soát dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi biển ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm góp phần thúc đẩy nghề phát triển bền vững, đưa lĩnh vực này trở thành trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản./.

Nguyễn Thành