BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Chính sách

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục hồi rạn san hô ven biển Lý Sơn

TTXVN 27/12/2017 00:00 |

Từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ biển Lý Sơn”.

Các chuyên gia thực hiện Dự án đã tiến hành đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ Lý Sơn, khảo sát lựa chọn địa điểm và loài phục hồi, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và đào tạo kỹ năng phục hồi rạn san hô cho cán bộ địa phương và cộng đồng, phục hồi rạn san hô trên nền đáy tự nhiên, mô hình rạn nhân tạo và vườn ươm san hô. Theo dõi, giám sát xu thế thay đổi và khả năng phát triển của các loài san hô phục hồi và nguồn lợi sinh vật tại vị trí phục hồi. Xây dựng quy chế quản lý trong và sau phục hồi ở mô hình lựa chọn, xây dựng quy trình phục hồi san hô ở Lý Sơn.

Một góc khu bảo tồn biển Lý Sơn. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Đến nay, mô hình trồng phục hồi rạn san hô, với quy mô 2ha, nằm trong Khu bảo tồn biển được các chuyên gia của Dự án đánh giá phát triển tốt, nhiều giống hải sản quý hiếm có cơ hội được khôi phục, giúp tăng sản lượng hải sản của các khu vực biển xung quanh Khu bảo tồn biển, đồng thời huy động người dân chủ động tham gia vào quản lý khu bảo tồn biển để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

Để bảo vệ các rạn san hô, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất một số giải pháp để tăng cường công tác quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nhằm giảm thiểu khai thác thủy sản bất hợp lý; giáo dục và bắt buộc các doanh nghiệp du lịch tuân thủ tuyệt đối quy chế của khu bảo tồn; mở rộng liên kết với các cơ quan quản lý liên quan nhằm thực thi quan điểm quản lý tổng hợp đới bờ trong và xung quanh Khu bảo tồn biển. Theo dõi sát sao quá trình phục hồi và gia tăng độ phủ san hô và mật độ các loài quan trọng về sinh thái và nguồn lợi.

Theo đánh giá, vùng biển Lý Sơn có 685 loài động, thực vật, trong đó có 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển…với nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm bào ngư, trai tai tượng. Tuy vậy, các loài này hiện nay hầu như không còn, hệ thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn cũng đang dần biến mất.

Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học vùng biển đảo Lý Sơn là do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt, đã làm các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. mặt khác, cứ đến mùa rong mơ, hàng trăm người đổ xô ra vùng biển ven đảo khai thác, bình quân mỗi ngày từ 3-5 tấn rong mơ tươi, làm cho khả năng phục hồi của loài thực vật này giảm sút nghiêm trọng khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt.

Bên cạnh đó,  các nguồn chất thải, tác động của biến đổi khí hậu cũng là những nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái tại vùng biển đảo này. Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển của Khu bảo tồn biển là người dân trên đảo khai thác cát để trồng tỏi mỗi năm lên đến trên 150.000 m3, dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy.

Lê Sơn