BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Chính sách

Trà Vinh hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu khai thác xa bờ

TTXVN 17/12/2017 00:00 |

Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, Trà Vinh đã chú trọng đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề khai thác biển.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ ngư dân

Nhiều năm qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ giá dầu, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho ngư dân, trang bị miễn phí 500 máy thu trực canh dự báo thời tiết trên biển; hỗ trợ chuyển đổi nghề lưới rê truyền thống sang nghề lưới rê hỗn hợp và cải hoán hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu polyurethan cho ngư dân…

Đóng tàu công suất lớn tại Công ty TNHH Thương mại Hưng Mỹ,
Trà Vinh. Ảnh: Vũ Sinh / TTXVN

Đặc biệt, từ năm 2014 - 2016, tỉnh còn dành nguồn ngân sách địa phương hơn 12,3 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác xa bờ.

Ngư dân trong tỉnh khi đóng mới tàu khai thác biển có công suất máy từ 250 CV (mã lực) và cải hoán tàu có công suất máy từ 90 CV trở lên đều được hỗ trợ vốn ưu đãi. Đơn cử, khi đóng mới tàu cá sử dụng máy thủy mới 100%, ngư dân được hỗ trợ 210 triệu đồng/tàu. Sử dụng máy thủy đã qua sử dụng, mức hỗ trợ 140 triệu đồng/tàu; cải hoán thay máy tàu cá sử dụng máy thủy mới 100%, công suất máy từ 250 CV trở lên, mức hỗ trợ 105 triệu đồng/tàu; công suất máy từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/tàu…

Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp ở lĩnh vực thuỷ sản giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch huy động nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển. Thực hiện chương trình này, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân trong tỉnh hiện đại hóa nghề khai thác biển.

Mục tiêu của tỉnh Trà Vinh hướng đến là ưu tiên nâng số lượng tàu công suất lớn vươn khơi, đánh bắt các đối tượng hải sản có trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh Trà Vinh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại,  các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho các chủ tàu cá ở huyện Trà Cú và thành phố Trà Vinh đóng mới 11 tàu cá, với tổng số tiền 130 tỷ đồng, đạt 90% số tiền cam kết cho vay; trong số này, 2 tàu đã đi vào hoạt động. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 1,7 tỷ đồng mua bảo hiểm thân tàu cho 180 tàu cá và mua bảo hiểm thuyền viên cho 1.125 người. Đồng thời, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá 280 triệu đồng cho 1 tàu dịch vụ hậu cần.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trung Hiền cho biết, phát triển nghề khai thác biển cần thêm sự đảm bảo tốt về dịch vụ hậu cần. Vì vậy, tỉnh đang đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Định An, nạo vét cảng cá Láng Chim và nâng cấp một số bến cá nhỏ ở các huyện ven biển như: bến cá Đông Hải tại huyện Duyên Hải và bến cá Vĩnh Bảo huyện Châu Thành nhằm đảm bảo tiếp nhận được 900 tàu cá từ 90CV trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích ngư dân phát triển đội, tàu dịch vụ, thu mua, bảo quản và sơ chế sản phẩm trên biển để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho tàu đánh bắt.

Sự hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh đã tạo được chuyển biến tích cực. Phương thức hỗ trợ, mỗi tàu cá được hỗ trợ một lần, sau khi chủ tàu hoàn thành việc đóng mới, cải hoán thay máy tàu cá và đưa vào sử dụng. Nhiều ngư dân dám đầu tư phát triển, từ đó khai thác hải sản đạt hiệu quả hơn.

Bà Lê Thị Kim Phượng, ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cho biết, từ năm 2015, được tỉnh hổ trợ chuyển đổi sang lưới rê hỗn hợp để đánh bắt hải sản, sản lượng thu được từ 60 - 70% cá to đạt trọng lượng 4 – 16 con/kg và có giá trị kinh tế cao, như cá thu, cá bóp, cá rún, cá chét

Thời gian khai thác biển trung bình chỉ mất khoảng 4 giờ/ ngày, so với lưới truyền thống là 10 giờ/ngày, nên giảm được chi phí nhiên liệu và số nhân công. Ngư trường đánh bắt cũng không bị hạn chế, lưới ít bị rách nên giảm được hơn 50% chí phí công thợ vá lưới sau chuyến đi biển. Còn mô hình cải hoán hầm tàu làm bằng Polyurethane vừa nhẹ, bền, kín nên bảo quản hải sản được tươi sạch lâu ngày và giảm tiêu hao nước đá từ 20 – 30 % cho mỗi chuyến biển. Nhờ vậy, tàu khai thác của gia đình bà Phượng kéo dài thời gian đánh bắt thêm 9 – 15 ngày giúp tăng thêm sản lượng.

Cần đầu tư cho nguồn nhân lực

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, đến  nay toàn tỉnh chỉ mới có hơn 200  tàu công suất lớn đảm bảo để vươn khơi đánh bắt hải sản. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày đang dần cạn kiệt cho nên hiệu quả đánh bắt đem lại ngày ít đi, đưa đến cuộc sống của nhiều ngư dân ngày khó khăn hơn. Nếu tính về sản lượng khai thác của tỉnh Trà Vinh  trong 10 năm qua chỉ đạt mức bình quân hơn 78.000 tấn/năm.

Nguyên nhân chính của đại đa số ngư dân Trà Vinh là vướng mắc tâm lý “ không dám mạo hiểm” khi không đủ nguồn nội lực để tự đầu tư. Như ông Phan Văn Hòa, ấp Vĩnh Bảo, xã Long Đức, TP Trà Vinh đã có hơn 30 năm làm nghề khai thác biển nhưng cũng không dám tranh thủ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển nghề khai biển.

Ông Hòa cho rằng, vay vốn ưu đãi để mua sắm phương tiện đánh bắt hiện đại thì được, nhưng e thiếu trình độ tay nghề để sử dụng các phương tiện hiện đại một cách hiệu quả, sẽ không trả được nguồn vốn vay đầu tư nên không dám làm “liều”.

Vậy nên, nhiều năm qua dù, tỉnh Trà Vinh thực thi nhiều chính sách ưu đãi cho nghề khai thác biển nhưng không có nhiều ngư dân dám đầu tư phát triển. Việc tập trung đầu tư lớn để phát triển nghề khai thác biển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế là hướng đi đúng của một tỉnh ven biển như Trà Vinh.

Thực tế cho thấy cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện, các cơ sở dịch vụ hậu cần... Trà Vinh cần thêm sự đầu tư nguồn nhân lực trong nghề khai thác biển. Ngư dân Trà Vinh cần được nâng cao trình độ, tay nghề để làm chủ được phương tiên đánh bắt hiện đại.

Phúc Sơn