BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Chính sách

Thiết lập chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo

TTXVN 21/12/2017 00:00 |

Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu thiết lập chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Để quản lý tài nguyên và môi trường biển hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia... thời gian qua, nhà nước đã thành lập hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295 phê duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 Cùng với đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam nhằm sắp xếp lại không gian hợp lý và phân bổ nguồn lực cho các ngành khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo. Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh... Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo nhằm bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế biển...

Để bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhiều văn bản quy định được ban hành gồm: quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở biển; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được giao tổ chức triển khai Quyết định số 1278 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan”; Quyết định số 1864 “Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Philipin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”...

Nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, ứng phó kịp thời và phòng chống thiên tai từ biển, chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo của Việt Nam xác định thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường biển và hải đảo theo hệ thống mở, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới.

Nguyễn Phương