BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Quan điểm chung của Mỹ, Australia và Nhật Bản về Biển Đông

TTXVN 31/12/2017 12:52 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)—

Mặc dù không có tranh chấp chủ quyền trực tiếp tại Biển Đông, song với vai trò là các nước lớn có tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

Trong cuộc đối thoại an ninh chiến lược ba bên Mỹ, Australia và Nhật Bản cấp bộ trưởng lần thứ bảy diễn ra hồi tháng 8/2017, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đưa ra một tuyên bố chung, nhắc lại bản chất của Tuyên bố chung AUSMIN liên quan đến biển Đông trước đó.

Theo tuyên bố này, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên các quy tắc, kêu gọi tất cả các nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay trên vùng trời và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác và nhắc lại rằng 3 nước sẽ tiếp tục để máy bay, tàu thuyền qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Các bộ trưởng bày tỏ những quan ngại nghiêm trọng về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Các bộ trưởng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương cưỡng ép mà có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Về việc này, các bộ trưởng thúc giục các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông kiềm chế việc cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn, quân sự hóa các cấu trúc địa hình tranh chấp và thực hiện các hành động đơn phương gây ra sự thay đổi vật chất vĩnh viễn cho môi trường biển ở các khu vực đang chờ phân định. Các bộ trưởng kêu gọi tất cả các nước tuyên bố chủ quyền đưa ra và làm rõ các tuyên bố hàng hải của họ phù hợp luật biển quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Các bộ trưởng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc, vì phán quyết này là cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên.

Các bộ trưởng lưu ý tầm quan trọng của chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS và quyết định của Tòa trọng tài trong các cuộc thảo luận giữa các bên trong nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải của họ ở Biển Đông. Các bộ trưởng thúc giục các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Các bộ trưởng thừa nhận sự đồng thuận được công bố về một khuôn khổ cho Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Các bộ trưởng thúc giục hơn nữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đảm bảo rằng COC được hoàn thiện một cách kịp thời và nó ràng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa, hiệu quả và nhất quán với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố như vậy, hoạt động phối hợp của Mỹ, Australia và Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông thực sự rất ít ỏi. Trước đó, các chuyên gia cố vấn của Mỹ kiến nghị chính quyền của Tổng thống Donald Trump khuyến khích hai đồng minh khu vực là Nhật Bản và Australia tăng cường phối hợp với Mỹ trong vấn đề Biển Đông, tăng cường chi phí hành động ở Biển Đông. Nhưng từ hiệu quả thực tế cho thấy Nhật Bản, Australia đều không phải bên có tranh chấp liên quan ở Biển Đông, cũng không phải là nước thành viên ASEAN, có thể vì vậy không tiện trực tiếp bày tỏ thái độ đối với các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.