BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Mỹ sẽ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông?

TTXVN 31/12/2017 12:50 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Sau 1 năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên thực tế chưa chính thức đưa ra một chính sách cụ thể về vấn đề Biển Đông, dù vùng biển này vẫn được xác định nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ. Mặc dù vậy, xu hướng chính sách Biển Đông của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng bước lộ diện. Tạp chí “Học báo Thái Bình Dương”, Trung Quốc vừa có bài phân tích về vấn đề này.

Theo bài viết, trong quá trình chuyển giao chính quyền, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ của ông từng phát đi tín hiệu cứng rắn nhằm vào việc Trung Quốc xây dựng trái phép và tôn tạo các đảo, đá ở Biển Đông. Trong thời gian chờ tuyên thệ nhậm chức, trên mạng xã hội, ông Donald Trump chỉ trích Trung Quốc chưa tham khảo ý kiến của Mỹ đã xây dựng quy mô lớn cơ sở quân sự. Trong phiên điều trần chuẩn bị nhậm chức trước quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rex Tillerson được Tổng thống Trump đề cử cho biết lãnh thổ mà Trung Quốc chiếm đóng, kiểm soát hoặc tuyên bố chủ quyền là không hợp pháp, đồng thời kiến nghị Mỹ phải yêu cầu Trung Quốc ngừng hành vi xây đảo, hơn nữa ngăn cản Trung Quốc đi lên những đảo này. Khi được hỏi về việc liệu tổng thống có phản ứng gì với phát ngôn nêu trên của ông Rex Tillerson hay không trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết: “Nếu những đảo, đá này trên thực tế nằm ở vùng biển quốc tế và không thuộc về Trung Quốc, Mỹ sẽ bảo vệ những lãnh thổ quốc tế này không bị một nước nào đó chiếm lĩnh”. Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn Quỹ Heritage, ông Steve Bannon, với tư cách là cố vấn chiến lược hàng đầu có ảnh hưởng quan trọng đối với Tổng thống Donald Trump, thậm chí dự đoán trong 5-10 năm tới Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh ở Biển Đông.

Trước những phát ngôn nêu trên, một số phương tiện truyền thông, cho rằng một khi Mỹ tìm cách cản trở Trung Quốc tiến vào các đảo, đá, “có thể đối diện với sự phản công mạnh mẽ vượt quá sự tưởng tượng của rất nhiều người”. Cho dù sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc vẫn kém Mỹ, nhưng hải quân Trung Quốc có tàu ngầm, tên lửa chống hạm và các loại vũ khí chuyên dụng để hủy diệt trang thiết bị hải quân quan trọng của Mỹ, đủ để ngăn cản hải quân của đối phương tiếp cận ở mức độ nào đó. Thời gian này, giọng điệu về rủi ro đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, không ít quan chức của Mỹ tin rằng việc Tổng thống Donald Trump có những phát ngôn khác nhau về vấn đề Biển Đông khi mới lên cầm quyền là có nguyên nhân. Ông Donald Trump không phải là nhân vật thuộc phe bảo thủ ôn hòa truyền thống, thiếu kinh nghiệm hành chính, trong ngắn hạn khó có thể nắm được hoàn toàn ngọn ngành của các vấn đề điểm nóng khu vực và quốc tế phức tạp. Ngoại trưởng Rex Tillerson có năng lực quản lý, nhưng không hiểu rõ công việc ngoại giao, gấp rút đọc nhiều tài liệu để đối phó với phiên điều trần đề cử, khó tránh khỏi “được cái này hỏng cái kia”. Người phát ngôn Nhà Trắng ngoài hiểu rõ các con đường ngoại giao, còn cần có thời gian để đối diện và thích ứng với áp lực từ thách thức phương tiện truyền thông. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng xu hướng cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Biển Đông bị các phương tin truyền thông thổi phồng. Thực tế, xu hướng chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề này hiện nay đang trở về trạng thái cân bằng hợp lý./.