BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Chính sách

Hồi sinh những tộc người “Lá vàng”

TTXVN 22/12/2017 00:00 |

Điệu múa truyền thống dân tộc La Hủ. Ảnh: Việt Cường

Chỉ 5 năm trước, ba tộc người La Hủ, Cống và Mảng sinh sống ở vùng thượng nguồn sông Ðà thuộc hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu vẫn còn chìm đắm trong đời sống hoang dã, lạc hậu và thiếu đói quanh năm. Giờ đây, bằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự thực hiện khẩn trương của chính quyền tỉnh Lai Châu, những tộc người này đã có cuộc sống đã ấm no, bền vững hơn rất nhiều so với trước.

Ước mơ vượt dòng sông Đà

Cho đến tận bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in những câu chuyện đầy ám ảnh về chuyến thăm một bản người La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cách đây gần chục năm về trước.

Đó là vào một buổi chiều biên cương buồn tê tái. Sau một ngày dài mệt mỏi vượt mấy quả đồi đi vận động học sinh ở bản người La Hủ đến trường không thành công, thầy giáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Ủ Nguyễn Hữu Trường ngồi trong cái lớp học lợp lá tuềnh toàng vá chằng vá đụp nhìn ra dòng sông Đà cuồn cuộn sóng buồn rầu tâm sự: “Việc học của con em đồng bào La Hủ ở đây sao mà gian nan quá! Chả biết đến bao giờ học sinh trường Pa Ủ của tôi có thể xuôi dòng sông Đà này để về Thủ đô Hà Nội học đại học?”.

Ám ảnh bởi lời tâm sự của thầy Trường, bây giờ tôi trở lại mảnh đất thậm khó, thậm khổ nơi tận cùng miền biên viễn này. Thú thực, trước lúc lên đường lòng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi không biết nơi này giờ ra sao? Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh bạn đồng hành là một nhà báo ở Lai Châu đã trấn an: “Ông yên tâm đi, đường vào Mường Tè giờ tốt lắm rồi, ôtô chạy bon bon chứ không cực nhọc như xưa nữa đâu.”.

Nghe anh bạn nói vậy nhưng hình ảnh con đường dài hơn 300 cây số với hàng trăm điểm ngầm và sạt lở từ chuyến đi năm nào vẫn khiến tôi không bớt âu lo.

Thế rồi mọi nỗi lo cũng dần tan biến. Xe chạy bon bon theo những con đường trải nhựa ngoằn nghoèo ngược lên hướng thượng nguồn sông Đà. Dọc đường đi, những bản làng nhà tranh mái lá xác xơ ngày nào giờ đã được thay thế bởi những bản làng tươi màu ngói mới và thấp thoáng xa xa là những ngôi trường mới khang trang.

Xe chúng tôi vượt qua chiếc cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Đà, nơi mà trước kia là chiếc cầu treo cũ kĩ xuống cấp, để đến với xã Bum Tở. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một ngôi trường 3 tầng xây kiên cố hiện lên giữa núi rừng. Xã Bum Tở có thể được coi là “kinh đô” của người La Hủ với 8 bản có số dân hơn 3.000 người, chiếm 1/3 dân số tộc người La Hủ ở Việt Nam.

Phùng Gió Xó, cô trưởng bản Phìn Khò năm nay mới 24 tuổi, say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái sự học bây giờ của đồng bào mình: “Ngày xưa dân mình chả ai đi học, từ ngày nhà nước đầu tư xây đường, xây trường, vận động dân về lập bản, trồng lúa nước, nuôi dê bò thì người La Hủ cho con em đi học nhiều lắm”.

Tháng 5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV  thuộc 16 dân tộc rất ít người (dân số dưới 10.000 người: Cống, Mảng, La Hủ, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn). Theo đó, trẻ mẫu giáo, HS, SV dân tộc rất ít người được ưu tiên vào học tại các cơ sở GD phù hợp theo nguyện vọng; kèm theo đó là các chính sách thiết thực hỗ trợ học tập cho các em.Điều trưởng bản Phùng Gió Xó nói được cô giáo Lò Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 2 Bum Tở minh chứng thêm: “Nhờ thầy cô kiên tâm bám trường, bám bản nên xã Bum Tở giờ đã đạt 100% phổ cập giáo dục bậc mầm non và tiểu học. Có nhiều học sinh ở Bum Tở đã học đến cao đẳng, đại học và trở về góp sức xây dựng quê hương”.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi ngược con sông Đà về phía thượng nguồn lên xã Nậm Khao, nơi có tới 65% dân số là tộc người Cống sinh sống. Thật không thể tin nỗi, giữa nơi núi rừng heo hút này lại có một ngôi trường mầm non đầy đủ tiện nghi đến vậy. Cô Trần Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Khao cho biết, ngôi trường này được xây dựng vào năm 2014 với số tiền hơn 5 tỉ đồng từ chương trình tái định cư thủy điện Lai Châu. Từ khi có trường lớp khang trang, đồng bào dân tộc Cống đã tự giác đưa con em lớp để học rất đông.

Ngoài trường lớp khang trang, học sinh bán trú đồng bào dân tộc Cống giờ còn nhận được trợ cấp của Chính phủ. Được biết, mỗi tháng một cháu học sinh bậc mầm non được trợ cấp 363 nghìn đồng, nhờ đó mà các cháu không còn lo đói, bố mẹ cũng có điều kiện yên tâm đi làm nương rẫy phát triển kinh tế.

Chương trình tiếp sức trẻ em các tộc người đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè còn có sự chung tay của cả cộng đồng và doanh nghiệp. Điển hình như việc Tập đoàn Vingroup đã tài trợ xây dựng cho học sinh đồng bào dân tộc Mảng một khu bán trú khang trang, hiện đại ở xã Chung Trải, huyện Nậm Nhùn.

Có lẽ nhờ điều kiện học tập tốt hơn trước nên hôm gặp tôi, Lý Thị Hằng, một cô học trò lớp 9 người Mảng đã tự tin nói rằng: “Năm tới cháu sẽ thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc để sau này có thể tìm hiểu và giữ gìn những điệu múa đặc sắc của dân tộc mình”.

Trong chuyến công tác lần này, tôi không có duyên gặp lại cố nhân là thầy giáo Nguyễn Hữu Trường vì thầy được Nhà nước cử đi học Đại học ở tận Thái Nguyên. Nhưng có lẽ, ước mơ vượt dòng sông Đà để về xuôi học Đại học của con em đồng bào các dân tộc La Hủ, Cống và Mảng mà thầy Trường đau đáu ngày nào giờ đã thành hiện thực.

Sức vươn miền biên ải

Hôm chúng tôi có mặt ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè tình cờ được trưởng bản Nậm Pụng là anh Khoàng Văn Làn mời về dự lễ cúng bản. Ông thầy mo Lò Văn Chờ, người thực hiện các nghi lễ chính trong lễ cúng bản hôm ấy cho biết, năm nay đời sống kinh tế của người Cống có nhiều cái mới nên trong bài cúng của mình, ông phải thêm nhiều lời khấn mới. Chẳng hạn như nuôi bò, nuôi dê thì thêm lời cầu xin thần linh xua đuổi dịch bệnh, trồng lúa nước thì khuyên phải siêng năng nhổ cỏ, đắp bờ… “Những thứ này thời du canh du cư không có, giờ có rồi thì mình phải thêm vào chớ!”, thầy mo Lò Văn Chờ nói.

Được biết, vào năm 2013, khi mới đưa đồng bào dân tộc Cống lên bản tái định cư mới, chính chuyền huyện Mường Tè đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Hiến dẫn đầu. Tổ công tác đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con để dạy dân cách trồng lúa nước, chăn nuôi.

Ông Hiến nhớ lại, ngày đó, Tổ công tác đã cùng bà con đi khai hoang đắp bờ làm ruộng bậc thang, trồng lúa, lên rừng dạy cách chăn dê, nuôi bò, trồng cao su. Ban đêm thì tập hợp thanh niên tổ chức hát dân ca, tập các điệu múa truyền thống. Chỉ bốn năm sau, xã Nậm Khao đã có hơn 200ha trồng lúa nước,  110ha cây cao su. Từ chỗ thiếu ăn quanh năm, đến nay người Cống đã đảm bảo được lương thực, không còn lo đói nữa.

Không chỉ có người Cống, người La Hủ ở xã Bum Tở cũng đã có những bước phát triển thần kì để thoát đói, thoát nghèo. Hôm chúng tôi theo chân cán bộ y tế xã Lê Quang Hiền đến khám sức khỏe định kì cho cụ bà Phùng Phí Mừ (96 tuổi) ở bản Phìn Khò thì được nghe bà kể về cuộc đổi đời của tộc người mình mà bà được chứng kiến.

Trong tâm thức già nua của bà Mừ, bà không thể nhớ được mình đã trải qua bao mùa đói khi người La Hủ du canh du cư trên những ngọn núi giáp biên. Nhưng những mùa no, mùa ấm gần đây thì bà nhớ lắm. Bà bảo: “Có mơ tôi cũng không tin nỗi có ngày được ở trong ngôi nhà gỗ chắc chắn, được ăn cơm gạo trắng đến no bụng và được thấy lũ trẻ con cháu mình ê a đọc chữ vang khắp bản như bây giờ.”.

Cũng ở xã Bum Tở này, nhờ có sự hỗ trợ về nguồn vốn, giống và phân bón từ Ngân hàng Thế giới, đồng bào La Hủ còn phát triển kinh tế khá tốt bằng nghề trồng dong riềng.

Đến nay, cả xã đã phát triển được hơn 20ha trồng dong riềng, mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ. Riêng nhà cô Trưởng bản Phìn Khò Phùng Gió Xó cũng trồng hơn 1 ha dong riềng, mỗi năm cho thu khoảng 20 triệu đồng, cộng với khoảng 30 triệu từ việc bán dê, sắn tính ra mỗi năm Phùng Gió Xó cũng kiếm được chừng 50 triệu đồng.

Chúng tôi lại xuôi sông Đà, đến vùng ngã ba sông huyền thoại, nơi sông Đà hợp lưu với sông Nậm Na, để chứng kiến sự thay đổi kì diệu của tộc người Mảng ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn.

Tộc người Mảng được coi là cư dân bản địa ở vùng Tây Bắc. Vì sinh sống biệt lập nên trước năm 2011, tộc người Mảng đối diện với nguy cơ bị thoái hóa giống nòi bởi các nguyên nhân: kết hôn cận huyết, sống du canh du cư và những hủ tục lạc hậu.

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao 2011 - 2020” của Chính phủ, Chính quyền tỉnh Lai Châu đã mang lại một không khí mới cho các bản làng người Mảng ở Trung Chải nói riêng và ở Lai Châu nói chung.

Nhắc đến Trung Chải, đồng bào các dân tộc ở Lai Châu đều ví nơi này là “vương quốc” chăn nuôi. Điển hình như gia đình ông Tào A Toi ở bản Nậm Nó 1 có tới gần 100 con bò, còn số nhà nuôi cỡ trên dưới chục con thì nhiều lắm.

Kết thúc hành trình qua ba tộc người vốn một thời khốn khó nhất của tỉnh Lai Châu, trong lòng tôi bỗng trào dâng một niềm cảm xúc khó tả về cuộc sống mới đang đâm chồi nảy lộc nơi vùng thượng nguồn Đà giang. Ở nơi đó, ba tộc người Cống, Mảng và La Hủ giờ đã thoát khỏi thân phận “lá vàng” để từng bước vươn lên vững vàng với cuộc sống ấm no và bình yên nơi miền biên cương của Tổ quốc./.

Bài: Thông Thiện