BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Còn nhiều khó khăn trong đàm phán COC sau thỏa thuận khung

TTXVN 31/12/2017 12:33 |

       

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Bình luận về việc các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và ASEAN sau nhiều nỗ lực đàm phán đã thông qua được bộ khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tờ the Economist đã có bài viết đánh giá về ý nghĩa của thỏa thuận này cũng những khó khăn trong con đường thương lượng sắp tới.

Theo bài báo, từ lâu, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước liên quan tại Biển Đông là cuộc xung đột lợi ích không thể giải quyết được. Không nước nào muốn xảy ra chiến tranh và cũng không nước nào chịu lùi bước. Để giảm bớt khả năng có thể xảy ra xung đột vũ trang và cũng để tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có nhiều tranh chấp này có thể chấp nhận được, các nước liên quan đã tiến hành đàm phán về các quy định liên quan tới hành vi và kiểm soát những căng thẳng khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Ý tưởng này được các nước ASEAN đề xuất vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, và đến ngày 18/5/2017, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và ASEAN mới nhất trí thông qua bộ khung của COC.

Nếu chiểu theo những gì đã từng xảy ra trong lịch sử thì rất có lý để nhận định dù đã đạt được thỏa thuận không, song các bên sẽ không dễ dàng đi đến một COC hoàn chỉnh. Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã cam kết "hợp tác" và "kiềm chế", thừa nhận "sự cần thiết để thúc đẩy môi trường hòa thuận, thân thiện và hòa bình", và nói họ sẽ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tiến tới COC. Rồi 9 năm sau đó, hai bên đã nhất trí thông qua một loạt các hướng dẫn mơ hồ để thực thi tuyên bố nói trên. Và đến tháng 7/2016, Trung Quốc đã đồng ý thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC.

Vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1/2013, với nội dung nhắm đến các yêu sách về chủ quyền đối với Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra, thể hiện rõ ràng nhất trong tấm bản đồ "Đường 9 đoạn" bao trùm tới 80% diện tích Biển Đông. Tháng 10/2015, Tòa Trọng tài tại La Hay ra phán quyết nghiêng về phía Philippines sau khi xem xét các vấn đề mà Manila khởi kiện. Theo đó, Tòa cho rằng vụ kiện của Manila là phù hợp với luật pháp, theo các điều khoản của UNCLOS, và việc Trung Quốc từ chối tham gia không ảnh hưởng tới phán quyết của Tòa. Tuy nhiên ông Duterte lên nhậm chức Tổng thống Philippines đã có những cách tiếp cận khác người tiền nhiệm là ông Aquino trong giải quyết tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, bộ khung COC đã được tính toán và lựa chọn vào đúng thời điểm này. Hiện Nội dung của bộ khung COC hiện chưa được tiết lộ. Theo bản dự thảo đưa ra hồi tháng 3/2017 thì đa phần đề cập đến" thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau", hay "có nhiệm vụ hợp tác", và "kiềm chế". Tuyên bố hồi năm 2002 cũng có những từ tương tự như vậy, nhưng tuyên bố đó đã chẳng có tác dụng giúp các nước "kiềm chế", nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn xây dựng các đảo nhân tạo một cách trái phép.  Giới phân tích cho rằng không thể giống như DOC năm 2002, bộ khung của COC không thể thiếu các cơ chế tăng cường hiệu lực hay chỉ ra những hậu quả của việc vi phạm các điều khoản của bộ quy tắc này.  Với bộ khung hiện nay, cho phép Trung Quốc tìm kiếm sự hợp tác mà không phải kiềm chế các hành vi của mình và giúp giới chức ASEAN cảm giác như tiến trình mà họ đang thực hiện cũng đang đem lại kết quả.

Cho dù các ngoại trưởng của hai bên đã thông qua bộ khung này vào tháng 8 vừa qua, chu trình vòng đàm phán mới đầy chông gai của hai bên sẽ vẫn lại bắt đầu.  Trong khi đó, chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Biển Đông cũng là yếu tác động tới tiến trình đàm phán văn kiện này. Cho tới nay, ông Donald Trump, người được đánh giá là có tính cách khó đoán định, vẫn chưa thể hiện sách lược nhất quán và cụ thể trong vấn đề này. Có thể hành động của ông sẽ làm Trung Quốc lo lắng, nhưng với bản tính của một thương gia, cách tiếp cận luôn là sự đổi trác đối với các vấn đề đối ngoại sẽ rất phù hợp với Trung Quốc hơn là so với nguyên tắc quốc phòng dựa trên nguyên tắc trật tự quốc tế của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trung Quốc cũng biết cách làm vừa lòng các nước đối thủ có tranh chấp tại Biển Đông bằng Sáng kiến "Vành đai và Con đường", thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, cộng với một nước Mỹ có chính sách thay đổi thất thường như hiện nay./.