BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Quan điểm – Lập trường

Chiến thuật linh hoạt của các bên ở Biển Đông

TTXVN 31/12/2017 12:36 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor vừa có bài viết cho rằng trong bối cảnh định hướng chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa rõ ràng, những thỏa thuận phát triển của Trung Quốc xem ra đang làm nghiêng cán cân quyền lực tại khu vực theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chí ít là trong thời gian hiện tại.

Gần đây Triều Tiên đã “choán hết” sự chú ý của Washington, tạo điều kiện để Trung Quốc đạt được tiến triển trong các cuộc thảo luận song phương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) . Các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Trung Quốc và hai quốc gia tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Việt Nam và Philippines trong năm qua cho thấy cách tiếp cận hòa giải hơn của Bắc Kinh để kiểm soát những căng thẳng tại khu vực đang thu được kết quả.

Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 11/5, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Biển Đông mà hai nước đang có những tranh chấp về chủ quyền. Tương tự, Trung Quốc và Philippines đang chuẩn bị tiến hành cuộc đàm phán song phương đầu tiên về hàng hải để bàn về những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông. Các cuộc thảo luận dự kiến diễn ra trong thời gian Tổng thống Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. Tại diễn đàn, Bắc Kinh đã thể hiện cam kết củng cố các mối quan hệ mậu dịch, tài chính và hạ tầng cơ sở trên toàn khu vực Âu- Á. Kết quả cuộc hội đàm trước đó của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam  sẽ tạo thuận lợi để Trung Quốc phô trương sức mạnh mềm trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, Bắc Kinh dựa vào các cuộc thảo luận song phương kết hợp với các cơ chế chung để giải quyết những tranh chấp xung quanh việc đánh bắt cá hay thăm dò năng lượng trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ năm 2000 đến nay, chiến thuật này hầu như chưa thành công. Các cuộc đàm phán sau đó với Hà Nội bị sa lầy trong vấn đề quy chế của quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, những nước tuyên bố chủ quyền khác đang thận trọng ký kết các hiệp định song phương với Bắc Kinh. Những hiệp định này thường đặt điều kiện là các nước phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc thì mới được tham gia những cơ chế chung mà Bắc Kinh đề xuất. Sự hoài nghi trước những ý đồ của Trung Quốc đã làm thất bại một số thỏa thuận thăm dò năng lượng, trong đó có thỏa thuận hồi năm 2011 giữa Philippines và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc.

Thế nhưng gần đây Chính phủ Trung Quốc có lẽ đã tìm thấy một đồng minh linh hoạt hơn ở vị tổng thống hiện nay của Philippines. Ông Duterte đã tiếp tục những nỗ lực nhằm tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước. Bắc Kinh và Manila đã nhất trí một kế hoạch mang tính thăm dò, theo đó sẽ khai thác chung các ngư trường và tiến hành tuần tra chung ở Bãi cạn Scarborough. Philippines có vẻ cũng đang xem xét lại thỏa thuận phát triển năng lượng đang bị gác lại. Theo giới phân tích, khi mà Trung Quốc đã đạt được được nhiều mục tiêu đã đề ra, Bắc Kinh đang xem xét lại quan điểm đối với các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù vẫn áp dụng chiến thuật hăm dọa tại những vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự tại đây vẫn mạnh, song Bắc Kinh đã thay chiến lược bành trướng quyết liệt trên biển bằng một chiến lược còn để chỗ trống cho sự hợp tác. Và giống như hầu hết các quốc gia khu vực, Philippines và Việt Nam đang áp dụng cách tiếp cận "tùy cơ ứng biến" đối với Trung Quốc, điều chỉnh khi cần thiết để cân bằng những ưu tiên đối nội với tình hình địa chính trị đang thay đổi ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn kiên quyết khẳng định các quyền của mình, mở rộng quan hệ an ninh với các cường quốc khác và bảo vệ những tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình./.