BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ >

Biển đảo Việt Nam: Thổ Châu - xã đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc

TTXVN 28/05/2019 16:40 |


Biển đảo Việt Nam: Thổ Châu - xã đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc

Kiên Giang (TTXVN 28/5)

Thổ Châu là xã biên giới hải đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nhiều năm nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình, dự án đầu tư, các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo cùng chính quyền và nhân dân địa phương luôn nỗ lực xây dựng đời sống kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, góp phần bảo vệ, giữ gìn vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

* Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Xã đảo Thổ Châu thuộc quần đảo Thổ Châu có tổng diện tích 1.395,16 ha với 8 đảo lớn nhỏ, chìm nổi: Đảo Thổ Chu, Hòn Tử, Hòn Cao Cát, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Xanh, Hòn Cái Bàn và Hòn Đá Bạc, trong đó duy nhất đảo Thổ Chu có người ở và là đảo lớn nhất. Xã chỉ có duy nhất một ấp Bãi Ngự là đơn vị hành chính trực thuộc và là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của xã, cách thị trấn Dương Đông (huyện lỵ của huyện Phú Quốc) 101 km, cách thành phố Rạch Giá (tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang) 220 km.

Nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, xã đảo Thổ Châu còn có vị trí chiến lược quan trọng trên biển khi nằm sát đường hàng hải quốc tế, là tuyến vận tải biển quan trọng Băng Cốc - Kông pông som - Thành phố Hồ Chí Minh - Hồng Kông (Trung Quốc). Khu vực biển của xã đảo cũng như vùng biển Tây Nam có độ sâu trung bình từ 15 - 30m, là ngư trường đánh bắt hải sản lớn của ngư dân các tỉnh Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang tập trung về. Thổ Châu có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, các bãi biển trên đảo rất bằng phẳng và kín gió. Đến đây, du khách có thể khám phá Hòn Nhạn, Hòn Xanh với khung cảnh biển trời hoang sơ tự nhiên kỳ diệu, lên hải đăng Thổ Châu để tận hưởng không gian vùng biển đảo Tây Nam rộng lớn của Tổ quốc…

Cách đây 44 năm, chỉ 10 ngày sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 10/5/1975, Pol Pot đã đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu. Chúng đã bắt, đưa đi và sát hại hơn 500 đồng bào vô tội. Trước tình hình đó, ngày 24/5/1975, các lực lượng Hải quân, Quân khu 9, bộ đội địa phương tỉnh Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang trước đây) đã tiến công giải phóng đảo và 3 ngày sau, ngày 27/5, quần đảo Thổ Châu hoàn toàn được giải phóng.

Năm 1993, theo Nghị định số 19 của Chính phủ, xã đảo Thổ Châu được tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra sinh sống. Đến nay xã có 618 hộ gia đình với 2.070 nhân khẩu (năm 2018). Trên đảo hiện có 3 trường mầm non, 2 trường phổ thông cơ sở, đón gần 400 học sinh theo học. Chợ Thổ Châu có 16 quầy sạp, đại lý bách hóa, thực phẩm, lương thực, đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng, kể cả những thời điểm biển động dài ngày. Hệ thống thông tin liên lạc đã được trang bị thông suốt. Trạm y tế quân dân y trên đảo với 12 giường bệnh, 6 bác sĩ và 2 y sĩ đã đảm bảo tốt công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên đảo.

* Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện

Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng cho biết, đến tháng 5/2019, kinh tế - xã hội của xã ổn định và có bước phát triển khá. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của xã 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 68,2 tấn; sản lượng khai thác là 59,5 tấn, đạt 39,67% kế hoạch năm; sản lượng nuôi trồng là 8,7 tấn, đạt 29% kế hoạch năm. Hiện xã có 76 phương tiện khai thác hải sản chủ yếu là các tàu, xuồng có công suất từ 8 - 24CV... Xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Việc đi lại, giao thương giữa đảo Thổ Chu với đất liền từ lâu chủ yếu bằng tàu Thổ Châu 09 - Phú Quốc, từ Bãi Vòng (Phú Quốc) - Thổ Châu và ngược lại. Cứ 5 ngày mới có một chuyến tàu ra đảo nên điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại của nhân dân và các lực lượng trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, chính quyền xã Thổ Châu luôn vận động bà con tận dụng đất đai tăng gia sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, phòng khi biển động nhiều ngày.

Theo ông Đỗ Văn Dừng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thổ Châu tiếp tục được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc mở ra nhiều cơ hội đầu tư, xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh như cảng neo đậu tàu Bãi Ngự, các công trình phục vụ quốc phòng - an ninh, bến cập tàu Bãi Dong…Đồng thời, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ - thương mại để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Quan tâm giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hóa - xã hội, nhất là về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần nhân dân.

Cùng với đó xã chỉ đạo thực hiện và tổ chức triển khai có hiệu quả việc khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau màu, cây ăn trái… theo hướng tăng cường đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Phối hợp tốt với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, bảo vệ chủ quyền, biên giới biển đảo.

* Chung sức chung lòng vì biển đảo quê hương

Từ năm 2009 đến nay, cán bộ, đoàn viên thanh niên của tỉnh Kiên Giang tổ chức hành trình “Tuổi trẻ Kiên Giang - Vì biển đảo quê hương” về với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhân dân xã đảo Thổ Châu. Chương trình nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho đoàn viên thanh niên về tình yêu quê hương, biển đảo, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Qua đó, động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và bà con nhân dân đang sinh sống trên xã đảo Thổ Châu.

Trong hành trình diễn ra trong 3 ngày từ 4 - 6/5, đoàn đã đến thăm viếng, tưởng niệm tại Đền Thổ Châu - nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ, hơn 500 người dân vô tội bị quân Pol Pot giết hại vào tháng 5/1975. Đền được xây dựng từ năm 2011, đến nay đã trở thành địa điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ.

Những ngày ở trên đảo Thổ Chu, hơn 100 cán bộ, đoàn viên thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về lịch sử hình thành xã đảo Thổ Châu, về biển đảo và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc thiếu nhi, văn hóa văn nghệ…Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Kiên Giang, thủ trưởng Trung đoàn 152 đã đến thăm và tặng quà các đơn vị đóng quân trên đảo.

Đặc biệt, theo chủ trương của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với nguồn kinh phí vận động từ các nhà tài trợ, Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức động thổ xây dựng Cột cờ Tổ quốc đảo Thổ Chu vào sáng 5/5. Khu vực Cột cờ Tổ quốc có diện tích 25m2 với chiều cao tính từ mặt đất lên đến hết cột cờ là 22m. Kinh phí ước xây dựng công trình khoảng 1,65 tỷ đồng. Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Lê Trung Hồ cho biết, đảo Thổ Chu là đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, nằm cách xa đất liền nhất của tỉnh Kiên Giang nên việc xây dựng Cột cờ có ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng sẽ là một địa chỉ văn hóa để khách thập phương, các bạn trẻ sinh hoạt văn hóa, tham quan và được hiểu biết thêm về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Trước khi kết thúc cuộc hành trình, tối 5/5, tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 cùng với cán bộ, đoàn viên thanh niên của tỉnh Kiên Giang đã giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tiếng gọi đảo xa”. Nhân dịp này, Tỉnh đoàn Kiên Giang đã trao quà cho 6 gia đình chính sách, 13 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 30 em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn xã đảo Thổ Châu.

Trên vùng biển đảo Thổ Châu, cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 152, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang vẫn ngày đêm bảo vệ, giữ gìn biển đảo và thềm lục địa phía Tây Nam Tổ quốc. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn, các đơn vị vũ trang đóng quân tại xã đảo Thổ Châu còn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, cùng với chính quyền và nhân dân Thổ Châu tạo nên sức mạnh tổng hợp vừa phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vừa giữ vững chủ quyền vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc./.

Hồng Đạt