BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Trang chủ > Chính sách

Biển đảo Việt Nam: Hoàn thiện chính sách giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân

TTXVN 06/09/2018 17:55 |

Biển đảo Việt Nam: Hoàn thiện chính sách giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân

Hà Nội (TTXVN 6/9)

Sau 4 năm triển khai Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ không ít thiếu sót, bất cập trong thực tế. Hiện, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát tình hình thực tế, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP trình Chính phủ trong tháng 10/2018. Dự thảo Nghị định thay thế gồm 5 chương, 34 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định việc giao, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; công nhận hoạt động sử dụng khu vực biển và phương án giải quyết các tranh chấp về sử dụng khu vực biển...

* Tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Nghị định 51/2014/NĐ-CP đã tạo hành pháp lý, môi trường và điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo quy định pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng thời, tác động tích cực trong việc giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội trên các vùng biển được giao.

Từ năm 2015-2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, xử lý 7 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, công nhận hoạt động sử dụng khu vực biển. Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào các dự án phát triển cảng biển, năng lượng gió... với số tiền đầu tư hàng tỉ USD như: Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đề nghị giao 184 ha biển tại Vịnh Gành Rái, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị giao 11 ha biển để mở rộng luồng hàng hải cho tàu trọng tải lớn vào Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió trên biển tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, cung cấp năng lượng sạch cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong vùng.

Thời gian tới, nhiều dự án xây dựng cảng biển, khu du lịch sử dụng khu vực biển tại một số tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Khánh Hòa, Kiên Giang… được triển khai, góp phần phát triển kinh tế biển, trong đó, phấn đấu đến năm 2020 "Kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước, xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, xây dựng một số khu kinh tế mạnh ven biển".
Đến nay, 24/28 tỉnh, thành phố có biển ban hành và công bố thủ tục hành chính về giao, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển trên địa bàn. Hàng năm, UBND một số tỉnh, thành phố ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn thuộc thẩm quyền giao của địa phương. Các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận và Kiên Giang đã giao được 12 khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển theo đúng quy định của Nghị định 51/2014/NĐ-CP.



Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thu cho biết: Quảng Ninh có quy mô biển đảo lớn với khoảng 2.800 hòn đảo, hơn 6.000 km2 diện tích mặt biển và hơn 250 km đường bờ biển nên nhu cầu của tổ chức, cá nhân về giao khu vực biển để khai thác sử dụng rất lớn. Tuy vậy, đến nay tỉnh chỉ tiếp nhận được 10 hồ sơ xin giao khu vực biển và đến đầu năm 2017 mới cấp 3 quyết định về giao khu vực biển. Khó khăn chủ yếu là do vướng mắc về ranh giới hành chính trên biển giữa Quảng Ninh và Hải Phòng; nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa “tha thiết” đối với việc làm hồ sơ xin giao khu vực biển vì tính pháp lý của việc giao khu vực biển không cao, chưa thể thế chấp vay ngân hàng, giao dịch, góp vốn…; chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hoạt động đặc thù trên biển nên khó khăn trong ngăn chặn, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

* Nhiều bất cập trong thực tiễn

Sau 4 năm triển khai, nhiều bất cập tại Nghị định 51/2014/NĐ-CP đã bộc lộ như quy định việc giao khu vực biển nhất định trên các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoặc quyết định cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền còn chưa rõ. Nhiều hoạt động sử dụng khu vực biển của các tổ chức, cá nhân có quy mô hoạt động nhỏ lẻ chưa có trong danh mục cấp giấy phép, nên không đủ cơ sở làm hồ sơ đề nghị giao dẫn đến tình trạng sử dụng biển khi chưa có quyết định, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và gây thất thu cho ngân sách.

Ông Phan Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng điều hành Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Nhiều quy định tại Nghị định 51/2014/NĐ-CP còn chung chung, thiếu cụ thể với thực tiễn; một số khó khăn do quy định chồng lấn với các luật chuyên ngành và luật khác liên quan như: Luật biển, Luật đất đai bởi chưa xác định rõ ranh giới hành chính trên biển... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật về quản lý giao khu vực biển còn thiếu; đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý về giao khu vực biển còn thiếu, năng lực mới đáp ứng một phần nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương chưa cao trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Ngoài ra, công tác tham mưu, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển chưa được ban hành, do vậy chưa có cơ sở và căn cứ để thực hiện giao khu vực biển. Công tác giao khu vực biển cho các tổ chức cá nhân còn rất ít (cả Trung ương và địa phương mới giao được 13 khu vực biển);

Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Đây là lĩnh vực mới chưa có thực tiễn, có những quy định lần đầu tiên được luật hóa như: Quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, quy định về cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quy định về phần vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển... Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn tồn tại vướng mắc, còn chồng chéo và thiếu những quy định liên quan như: quy định về lấn biển, nhận chìm, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển... Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu, đề xuất kế hoạch dài hạn cho việc xây dựng các văn bản pháp luật, đặc biệt là quy định về xử lý vi phạm quản lý tổng hợp tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Giao khu vực biển là những vấn đề mới, đang “nóng” tại các địa phương và là lần đầu tiên ở Việt Nam nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay, Tổng cục đã nhận được ý kiến cần sửa đổi của 24 tỉnh, thành phố có biển, trong đó có các nội dung về thế chấp, chuyển nhượng, bồi thường của các tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển còn khá phức tạp, cần xây dựng văn bản riêng.



Hiện Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định hành lang bảo vệ biển, quy định về nhận chìm ở biển, do đó cần có sự liên thông giữa các văn bản luật bởi nhu cầu và yêu cầu phát triển với các khu ven biển là cần thiết. Thực tiễn sau 4 năm triển khai, cho thấy việc cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển./.


Hoàng Nam