BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Quan điểm – Lập trường

Xung quanh đề xuất của Mỹ tuần tra chung tại Biển Đông

TTXVN 31/12/2017 12:47 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Trong ít nhất hai năm trở lại đây, Mỹ đã duy trì các hoạt động tuần tra giám sát để bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Căng thẳng trên Biển Đông liên quan tới các hoạt động gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc mấy năm nay cũng khiến Mỹ tìm cách lôi kéo các đồng minh và đối tác tham gia hoạt động tự do hàng hải chung. Tuy nhiên, hiệu quả của sáng kiến này đến nay chưa thể kiểm chứng, và không phải đồng minh và đối tác nào của Mỹ cũng mặn mà với đề xuất tuần tra chung trên Biển Đông.

Tháng 1/2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Phó Đô đốc Robert Thomas nói thẳng để kiềm chế sức mạnh trên biển ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra trên không sang không phận Biển Đông. Tháng 3/2015, tại triển lãm hàng không và hàng hải quốc tế được tổ chức ở Malaysia, Phó Đô đốc Robert Thomas cho rằng các nước Đông Nam Á nên thành lập đội tuần tra chung ở Biển Đông, đồng thời cho biết Mỹ có thể sẽ ủng hộ. Tháng 3/2016, trong thời gian đến thăm Ấn Độ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris đề nghị Ấn Độ, Nhật Bản, Australia triển khai tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ.

Nhưng đến nay, kế hoạch tuần tra chung của Mỹ ở Biển Đông chưa đạt được tiến triển mang tính thực chất. Với tư cách là đồng minh của Mỹ, trong quá trình xem xét dự luật an ninh mới, Nhật Bản đã đề cập đến khả năng Lực lượng phòng vệ thực hiện hoạt động tuần tra ở Biển Đông, Australia cũng đã tiến hành thảo luận lập trường chính sách nhằm vào vấn đề Biển Đông, nhưng hai nước đều nêu rõ phải tránh làm cho tình hình trở nên căng thẳng. Nhật Bản có thái độ thận trọng đối với vấn đề tuần tra chung. Theo các phương tiện truyền thông,  trong thời gian đến thăm Mỹ tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết Nhật Bản dự định tham gia tuần tra với Mỹ Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra thông tin cho rằng Mỹ và Nhật Bản đều xác nhận phải ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và dựa vào luật phát quốc tế để tiến hành hoạt động tuần tra trên biển. Nhưng không lâu sau, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã làm sáng tỏ vấn đề này, cho rằng phát ngôn của mình ở Mỹ bị xuyên tạc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, Nhật Bản căn bản không có kế hoạch cử Lực lượng phòng vệ tiến hành tuần tra chung với Mỹ.

Chính phủ Australia cũng công khai cho biết không nhận được lời mời tham gia hoạt động quân sự ở Biển Đông do Mỹ đề xuất, cũng không chuẩn bị tham gia hoạt động tuần tra chung này. Tại Hội nghị 2+2 Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ-Australia được tổ chức tháng 10/2015, hai bên bày tỏ muốn nâng cao hợp tác hải quân, nhưng xác định rõ sự hợp tác này không bao gồm việc hải quân Australia tham gia hoạt động tuần tra ở Biển Đông do Mỹ đứng đầu.

Trong khi đó, phản ứng trước đề xuất tuần tra chung mà Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry B. Harris Jr đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố hiện Ấn Độ chưa xem xét tuần tra chung với các nước như Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phản ứng trên được phương tiện truyền thông Ấn Độ giải thích là nước này tránh bị cuốn vào cuộc đọ sức giữa hai nước lớn Trung-Mỹ. Phản ứng của ASEAN đối với sáng kiến thành lập đội tàu tuần tra chung của Mỹ cũng rất lạnh nhạt. Philippines từng hưởng ứng tích cực, nhưng sau này đã xuất hiện lập trường do dự. Tháng 4/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Philpipines Voltaire Gazmin cùng gặp gỡ phóng viên, ông Ashton Carter chứng thực hai nước đã bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông tháng 3/2016. Tuy nhiên, tháng 9 cùng năm, tân Tổng thống Phiippines Duterte lại cho rằng Philippines không còn tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Tháng 10, tân Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Negrillo Lorenzana tuyên bố Philippines đã ngừng tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông , và do phía Philippines quyết định thông báo với Mỹ, không lâu nữa sẽ yêu cầu các quân binh chủng của Mỹ đồn trú tại Philippines rút quân./.