BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Phát triển mạng lưới giao thông nông thôn vùng biên giới

TTXVN 07/11/2019 08:00 |

Phát triển mạng lưới giao thông nông thôn vùng biên giới



Kon Tum (TTXVN 7/11)

Đăk Glei là huyện xa nhất về phía Bắc tỉnh Kon Tum có nhiều đồng bào dân tộc Kinh, Bahnar, Xê-đăng, Giẻ-Triêng sinh sống. Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, trong nhiều năm qua,  việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn tại huyện biên giới Đăk Glei đặc biệt được chú trọng.

Mường Hoong là xã đặc biệt khó khăn với địa hình đồi núi cheo leo, đi lại vô cùng khó khăn. Trước đây, để vào được xã, người dân phải băng rừng lội suối nhiều ngày trời mới đến nơi. Nhưng từ khi tuyến giao thông liên xã nối trung tâm huyện với các xã dưới chân núi Ngọc Linh, con đường đến với xã đã bớt đi phần nào sự vất vả.

Ông A Nhon, xã Mường Hoong cho biết, trước đây đường đi lại khó khăn lắm, muốn đi tới trung tâm huyện phải đi bộ, mất mấy ngày. Đường đi khó nên hàng hóa, nông sản không đi ra được nên có làm cũng không ai vào thu mua.  Hiện nay, nhà nước đầu tư mở đường, đi lại dễ dàng. Bây giờ xe máy, xe ô tô, xe tải thu mua nông sản vào tận xã nên rất thuận lợi cho bà con, góp phần thúc đẩy bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Hay như tuyến nối trung tâm huyện Đăk Glei vào xã biên giới Đăk Nhoong cũng được đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân vùng biên giới đi lại. Từ đó, tạo động lực cho các làng biên giới mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại nông sản tăng thu nhập và cải thiện đời sống vùng biên thay đổi rõ rệt.

Anh Xiêng Lăng Khu, làng Đăk Ga, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ, bây giờ giao thông đi lại rất thuận lợi, từ làng ra đến trung tâm huyện bây giờ đi chỉ mất 30- 40 phút chứ không như trước đây, muốn đi ra huyện phải mất 2- 3 tiếng. Ngoài ra, giờ người dân trồng cây sắn (mỳ), bời lời cũng không lo không có người vào thu mua, đến mùa thu hoạch, bà con chỉ cần tập kết ra đường lớn là có xe tải vào tận nơi thu gom cho bà con, rất thuận tiện.

Xác định giao thông thuận lợi chính là cầu nối để phát triển kinh tế liên vùng, tạo điều kiện thông thương thuận lợi cho hàng hóa, nông sản… chính quyền huyện Đăk Glei đã tận dụng mọi nguồn lực, kêu gọi sự đầu tư kết hợp cùng các chính sách của Đảng và Nhà nước nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là những tuyến đường giao thông nối các vùng khó khăn với trung tâm huyện.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Đăk Glei cho biết, trong nhiều năm qua, huyện luôn chú trọng vào công tác phát triển, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn. Hàng năm, từ các nguồn kinh phí, huyện đều trích phần lớn ưu tiên để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.  Chẳng hạn, năm 2019 trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 kể cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, huyện Đăk Glei được bố trí hơn 73 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên lĩnh vực giao thông hơn 54 tỷ đồng.

Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã có 9/11 xã đạt tiêu chí giao thông về nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã khó khăn.

Tuy nhiên, Đăk Glei là huyện biên giới, địa hình chủ yếu đồi núi cao nên công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông ở đây khó khăn. Mặt khác, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp, rất ít nhà máy, khu công nghiệp nên vấn đề huy động nguồn vốn, tài trợ để phát triển giao thông ngặt nghèo.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Đăk Glei cho biết, nhu cầu đầu tư lớn song nguồn vốn đầu tư công hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, nguồn ngân sách huyện rất hạn hẹp khi các nguồn thu rất khó khăn. Theo quy định hiện nay có một số công trình, dự án, chương trình phải đối ứng từ ngân sách huyện nên gặp rất nhiều khó khăn, vì huyện Đăk Glei là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Kon Tum.



Bên cạnh đó, mặc dù đã được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để phát triển đầu tư trong lĩnh vực giao thông, nhưng thực tế cũng chỉ mới ở mức tối thiểu đáp ứng cho nhu cầu đi lại. Vẫn còn có những địa phương vùng sâu có địa hình đồi núi dốc đòi hỏi nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi đó Ngân sách nhà nước hàng năm phân bổ còn hạn chế, ngân sách huyện eo hẹp nên chưa đáp ứng hết được nhu cầu thực tế./.



Quang Thái