BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Quan điểm – Lập trường

Mỹ cần kiên quyết để tránh nguy cơ mất các lợi ích ở Biển Đông

TTXVN 31/12/2017 12:43 |

 

Hà Nội (TTXVN 31/12)--

Mới đây, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Gregory B. Poling đã đăng bài viết trên trang tin của tổ chức này, trong đó phân tích về việc Mỹ có thể mất Biển Đông nếu không có chính sách rõ ràng, mạnh mẽ nhằm đối phó với các hành động của Trung Quốc.

Theo bài viết trên, Trung Quốc có thể tăng cường đáng kể sức mạnh tại Biển Đông nhờ các căn cứ mới vốn được xây dựng trái phép để sử dụng vào cả hai mục đích quân sự và dân sự ở Biển Đông. Trong khi vẫn không từ bỏ các yêu sách chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, “các quyền lịch sử” trong phạm vi “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra đều trái với luật pháp quốc tế. Chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra chính sách rõ ràng đối với Biển Đông, gây nghi ngờ đối với cam kết của nước này tại khu vực. 

Tại thời điểm này, các nhà phân tích cần đặt ra câu hỏi phải chăng Mỹ và các nước có cùng quan điểm đã mất sức chiến đấu? Đã đến lúc Mỹ từ bỏ lợi ích của mình tại đây? Có lẽ một trong những nguyên nhân chính ở đây là việc nhiều người Mỹ vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao cần phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Thậm chí, ngay trong nội bộ của Chính quyền Mỹ, câu trả lời cho vấn đề này vẫn chưa hoàn toàn giống nhau. Do đó, Mỹ và các đối tác khó có thể giành chiến thắng nếu chưa có sự đồng thuận về giá trị của chiến thắng đó.

Biển Đông không phải là vấn đề song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó không thể giải quyết thông qua sự mặc cả giữa hai nước này. Biển Đông căn bản cũng không phải vấn đề cân bằng về quân sự và không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không dùng đến sức mạnh quân sự tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông hoặc sự tăng cường năng lực của quân đội Trung Quốc thông qua việc sử dụng các đảo nhân tạo và cũng không thể không tạo ra cuộc xung đột tiềm ẩn với Mỹ.

Như học giả Bill Hayton từng phát biểu, tranh chấp tại Biển Đông thực sự là cuộc cạnh tranh của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là những ngụy biện của Trung Quốc đối với các sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế và lợi ích của các quốc gia láng giềng. Những nhận thức về lợi ích và quyết tâm của Trung Quốc nhằm theo đuổi chúng bằng bất cứ giá nào đã trực tiếp đe dọa tới lợi ích của Mỹ, vượt ra ngoài tầm bảo vệ của Hải quân Mỹ tại khu vực. Những hành động này của Trung Quốc đã đe dọa tới trật tự dựa trên các quy định do Mỹ hậu thuẫn.

Trong bối cảnh trật tự dựa trên các quy định không được Trung Quốc tôn trọng, Mỹ cần gia tăng sự ủng hộ về mặt quân sự đối với các nước lớn khác tại khu vực như Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Mỹ cần ngăn chặn các hành động hiếu chiến và các hành động leo thang khác của Trung Quốc. Các quốc gia đối tác cũng cần xây dựng năng lực cho các lực lượng Hải quân và bảo vệ bờ biển để duy trì sự hiện diện tại các vùng nước tranh chấp trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

Cái đích để Mỹ và các đối tác trong khu vực hướng đến là buộc Trung Quốc phải đảm bảo các tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế và cư xử bình đẳng với các nước láng giềng. Đây là mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi phải có các chiến dịch ngoại giao, pháp lý quốc tế đánh thẳng vào các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc dù cho điều này có thể làm tổn hại tới uy tín của Trung Quốc. Cần xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, sẽ mất hàng thập kỷ hoặc lâu hơn. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc có thể trụ được trong một thời gian dài, nhưng sẽ không thể “miễn dịch” mãi với áp lực và dư luận quốc tế và càng không thể đứng ngoài luật pháp quốc tế.     

Để giải quyết thách thức này, Mỹ cần nhận thức được các vấn đề liên quan, Chính quyền của ông Trump cần có chính sách rõ ràng, mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trật tự dựa trên các quy định. Chính quyền Mỹ cần nắm bắt cơ hội, nên đưa ra tuyên bố và cam kết lâu dài và tiếp tục đấu tranh với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc./.