BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Kinh tế

Kinh tế biển - trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế huyện Kim Sơn

TTXVN 28/12/2017 18:17 |

Biển đảo Việt Nam:

Kinh tế biển - trọng tâm trong

chiến lược phát triển kinh tế huyện Kim Sơn

Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Trong những năm qua, tận dụng lợi thế biển, huyện Kim Sơn đã chú trọng phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

* Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

Kim Sơn là huyện ven biển nằm ở cực nam của tỉnh Ninh Bình, có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với lượng phù sa màu mỡ, nguồn phù du phong phú, đa dạng. Do đó, phát triển kinh tế biển được xác định là một trong các chương trình trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

Về du lịch, Kim Sơn được biết đến với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Nhà thờ Phát Diệm, Di tích thờ Triệu Quang Phục, Bãi Ngang-Cồn Nổi, Rừng ngập mặn Kim Sơn…

Đặc biệt, được sự ưu ái của thiên nhiên, vùng biển Kim Sơn sở hữu tới 18km bờ biển, nhờ đó nơi đây có một vùng ven sinh thái rộng lớn, trù phú, sinh động với diện tích trên 100.000ha. Những cánh rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông… là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Với hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Kim Sơn còn được công nhận là nơi thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Bên cạnh du lịch, Kim Sơn tiếp tục phát triển truyền thống đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Trong những năm qua, huyện đã tăng cường quản lý, tập trung khai thác có hiệu quả vùng bãi bồi ven biển. Đặc biệt, huyện đã đưa một số đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao và nuôi thả ở vùng nước mặn, nước lợ, như: tôm sú, tôm rảo, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá chẽm, cá mú, nhất là phát triển mạnh nuôi ngao với diện tích hàng nghìn ha…

Nhiều xã đã hình thành được những mô hình nuôi tôm cộng đồng; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng và mở rộng khu nuôi trồng theo hướng công nghiệp, hiện đại, đánh dấu bước tiến mới của nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên địa bàn huyện.

Nếu năm 1997, diện tích thủy sản mặt nước mặn của huyện chỉ có hơn 700 ha với sản lượng gần 800 tấn thì đến năm 2016 đã có trên 3.000 ha với tổng sản lượng trên 23.000 tấn, gấp trên 32 lần.

* Phấn đấu đến năm 2020 kinh tế ven biển đóng góp 7% tổng GDP toàn tỉnh

Theo Quyết định số 378/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ phát triển vùng kinh tế biển Kim Sơn theo mô hình Khu kinh tế tổng hợp trong xu thế mở cửa và hội nhập mạnh với khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế.

Định hướng phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn theo mô hình, đảm bảo quy mô phù hợp, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hệ thống giao thông thủy bộ, trọng tâm là phát triển công nghiệp, kết hợp với khu du lịch, khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn. Đảm bảo hài hoà và gắn chặt phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng an ninh, đặc biệt là an ninh vùng biển. Đến năm 2020 vùng kinh tế ven biển Kim Sơn đóng góp 7% tổng GDP của cả tỉnh.

Mục tiêu xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn trở thành vùng có kinh tế năng động, phát triển nhanh, là trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của tỉnh Ninh Bình. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập. Giai đoạn đầu chú trọng phát triển thủy sản và xây dựng cơ sở hạ tầng; giai đoạn sau chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch (ưu tiên cho công nghiệp chế biến và dịch vụ); sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững; tăng cường giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng và khu vực biên giới biển.

Theo đó các Sở, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với huyện Kim Sơn rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn huyện; cụ thể hoá các mục tiêu của quy hoạch trong kế hoạch 5 năm, hàng năm; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, xúc tiến đầu tư thuộc ngành quản lý; hỗ trợ huyện trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Thời gian tới, huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển./.

Tùng Lâm