BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Kinh tế

Để Lý Sơn thực sự là điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi

TTXVN 28/12/2017 18:08 |

Biển đảo Việt Nam:

Để Lý Sơn thực sự là điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi

Dù đã có những bước tiến đáng kể nhưng việc khai thác phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Để Lý Sơn thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi, cần thiếtphải có những giải pháp phát triển du lịch tổng thểcho huyện đảo này.

*Lượng khách du lịch đến Lý Sơn ngày càng tăng

Huyện đảo Lý Sơn nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 24 km) là vị trí chiến lược trên vùng biển Đông.

Cảnh đẹp thiên nhiên của Lý Sơn được tạo nên từ sự hòa quyện giữa núi và biển. Hoạt động phun trào của núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn hôm nay với thềm địa chất có niên đại từ hàng triệu năm, những vách đá kỳ vĩ ở hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò trên cạn và dưới mặt biển.

Bên cạnh lợi thế là một địa danh có thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, có 5 ngọn núi án ngự giữa vùng biển Đông, Lý Sơn còn có những ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi, nhiều di tích lịch sử văn hóa và loại hình lễ hội truyền thống đặc sắc cũng như những tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, tại Lý Sơn có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...

Sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể tạo ra cho Lý Sơn một tiềm năng lớn để phát triển du lịch. ​Hoạt động du lịch tại Lý Sơn chính thức được khởi động vào năm 2007 khi tỉnh Quảng Ngãi chủ trương mở tuyến du lịch thành phố Quảng Ngãi-Mỹ Khê-Lý Sơn. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ du lịch cũng từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia.

Năm 2016, Lý Sơn đón gần 165.000 lượt khách. 8 tháng năm 2017 huyện đảo này đã đón 210.000 lượt. Huyện Lý Sơn hiện có 109 cơ sở kinh doanh lưu trú với gần 650 phòng. Ngoài ra còn có hàng chục hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng "homestay". Các tour du lịch văn hóa, lịch sử-tâm linh và du lịch sinh thái biển phù hợp với thế mạnh của Lý Sơn được mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch phong phú.

Tuy vậy, việc phát triển du lịch ở Lý Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống giao thông vận chuyển hành khách và hàng hóa ra đảo còn nhiều khó khăn; dịch vụ du lịch vui chơi giải trí chưa được đầu tư xây dựng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn yếu… Đáng lo ngại, du lịch Lý Sơn đang đối diện với nguy cơ phát triển thiếu bền vững do tình trạng phát triển “nóng” thời gian qua làm phá vỡ cảnh quan hoang sơ trên đảo, tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại…

*Phát triển đi đôi với bảo tồn

Mục tiêu phát triển ngành du lịch của Lý Sơn là phát triển huyện đảo Lý Sơn theo hướng trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh một tụ điểm du lịch nghĩ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng Duyên hải Nam trung bộ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch, trong đó có 3.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 500 tỷ đồng; thu nhập GDP du lịch chiếm tỷ trọng gần 11% tổng GDP của huyện; giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp trên đảo.

Để đạt được mục tiêu trên, Lý Sơn chủ trương tăng cường công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch, đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước….

Tại hội thảo Phát triển du lịch Lý Sơn” do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tháng 8-2017, các đại biểu cho rằng du lịch biển, đảo Lý Sơn đang ở giai đoạn phát triển “nóng”, do vậy cần phải có quy hoạch tổng thể, gìn giữ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử; chú trọng tạo ra sự khác biệt riêng về sản phẩm du lịch ở công viên địa chất toàn cầu…

PGS.TSKH. Vũ Cao Minh (Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) gợi ý, trong quy hoạch, Lý Sơn nên chú ý đến quy định về độ lớn và chiều cao công trình để không lấn át cảnh quan và để tôn chiều cao các miệng, đỉnh núi lửa, vách đá. Cùng với đó, Lý Sơn nên xây dựng các khu vui chơi giải trí, mua sắm để đáp ứng nhu cầu của du khách; xây dựng các loại hình du lịch như du ngoạn mặt biển vòng quanh đảo, nối đảo Lớn với đảo Bé, trong lòng núi lửa...

TS. Chu Mạnh Trinh (Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) đề xuất, cần phải có một cách tiếp cận phù hợp, ứng xử văn minh với thiên nhiên. Một trong những định hướng đó là con người phải hợp tác, đồng hành trong quản lý và bảo vệ thiên nhiên. Do đó, Lý Sơn nên tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tập trung khai thác các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như bãi biển cát san hô trắng, sạch, làn nước biển trong xanh ngọc bích; cảnh quan địa chất, đồng cỏ, quần thể cua Đá, sân chim, rạn san hô, thảm cỏ biển, đa dạng sinh học biển; ưu tiên các hoạt động tích cực như đi bộ, đi xe đạp, homestay, câu cá đại dương; ưu tiên phát triển các dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu, đào tạo đến từ các trường học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững như: Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn biển; tăng cường liên kết vùng, địa phương; đầu tư hơn nữa cho hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; xây dựng đảo Lý Sơn thành đảo xanh-sạch-đẹp.../.

Minh Hiếu